Cập nhật: 10/09/2020 15:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau gần 2 năm Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội đi vào cuộc sống, hành lang pháp lý quan trọng này đã từng bước khẳng định hiệu quả và tính cần thiết nhằm chấn chỉnh những mặt trái trong hoạt động lễ hội.

Hội Gióng (Hà Nội) đã không còn là “điểm nóng” khi thay đổi phương thức tổ chức

Theo Bộ VHTTDL, các mùa lễ hội gần đây đã diễn ra an toàn, lành mạnh, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, những tiêu cực từng bước được khắc phục.

Đẩy lùi tiêu cực

Bộ VHTTDL cho biết, việc thực hiện Nghị định 110 đã đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và tổ chức lễ hội; nhiều hạn chế từ các mùa lễ hội trước đã được điều chỉnh; không còn phổ biến hiện tượng đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ; công tác thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được tăng cường...

Đối chiếu với thực tế mùa lễ hội 2018, khi một số lễ hội “điểm nóng” vẫn còn duy trì nhiều tập tục, yếu tố phản cảm như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, bạo lực, điển hình như tại hội Phết Hiền Quan, hội chọi trâu huyện Phù Ninh (Phú Thọ); hội chọi trâu huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc); tục cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc)..., đến nay, với sự chỉ đạo kịp thời từ Bộ VHTTDL, những mặt trái tiêu cực đã được chấn chỉnh và có giải pháp khắp phục.

Đại diện nhiều địa phương có các di tích trọng điểm, lễ hội lớn và thu hút đông người nhận định, Nghị định 110 đã tạo nên những chuyển biến thực tế rõ nét. Lãnh đạo huyện Tam Nông, địa phương từng là tâm điểm dư luận với hội Phết Hiền Quan cho rằng, việc thực thi Nghị định 110 đã giúp công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn chuyển biến tích cực. Đặc biệt, về nội dung tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội theo tinh thần Nghị định 110, địa phương đã cam kết không để xảy ra hiện tượng lợi dụng lễ hội để trục lợi; không thực hiện nghi lễ bạo lực, phản cảm, trái truyền thống. Đại diện huyện Tam Nông cũng cho biết, Nghị định 110 đã tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc để cơ quan quản lý và chính quyền địa phương triển khai trong thực tế. Một số lễ hội còn tiềm ẩn nguy cơ “không an toàn” cũng đã có căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai trong công tác quản lý. Mùa lễ hội 2019, áp dụng Nghị định 110, UBND huyện đã ban hành văn bản yêu cầu dừng hoạt động phần hội khi hội Phết Hiền Quan vẫn chưa đảm bảo vấn đề an ninh trật tự, còn xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy... Năm 2020, lễ hội này đã dừng không tổ chức phần hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là một quy định tại Nghị định 110.

Nhìn rộng hơn, toàn cảnh bức tranh lễ hội kể từ sau khi Nghị định 110 được ban hành đã cho thấy nhiều chuyển biến rõ nét, điển hình như lễ hội Chùa Hương đã đảm bảo vấn đề an ninh, an toàn; lễ hội Gióng kiểm soát tốt việc phát lộc giò hoa tre, trầu cau, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy; lễ hội Đền Trần (Nam Định) giảm tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn, tung tiền vào kiệu ấn...

Theo Cục Văn hóa cơ sở, nhiều lễ hội chỉ một vài năm trước là “điểm nóng”, kể từ khi Nghị định 110 được áp dụng, công tác tổ chức lễ hội đã đi vào nề nếp, an toàn, hiệu quả. Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân; lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã đổi mới công tác tổ chức, tăng cường biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di tích và lễ hội; lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc) xây dựng đề án đổi mới, đảm bảo nghi lễ truyền thống; hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tạm dừng lễ hội năm 2019 để xây dựng và hoàn thiện đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức... Năm 2020, hoạt động phần hội tại các lễ hội đã tạm ngừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Khoản c, Điều 8 Nghị định 110 cũng quy định rõ nội dung này: Tạm ngưng tổ chức lễ hội khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương.

Phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội

Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy việc triển khai Nghị định 110 đã được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. BTC các lễ hội chú trọng tuyên truyền việc thực hiện các nội dung về nếp sống văn minh trong lễ hội, hạn chế thắp hương, đốt đồ mã, giữ gìn sự trang nghiêm của di tích, lễ hội; các hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa được bố trí khoa học, hợp lý, xa khu vực di tích; niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo và ép giá; không để các hiện tượng mê tín dị đoan, “chặt chém” diễn ra tại lễ hội...

Đơn cử, BTC lễ hội Chùa Hương đã đặt mục tiêu tổ chức lễ hội theo chủ đề “Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch”. Quy định “7 không” được BTC lễ hội Chùa Hương xây dựng và thực hiện cũng có thể xem như mô hình điểm trong công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội: Không đốt hương, vàng mã trong các khu nội tự/ Không có hiện tượng biểu hiện mê tín dị đoan/ Không có tình trạng hành khất xin ăn/ Không có tệ nạn cờ bạc, trộm cắp móc túi/ Không có tình trạng kinh doanh đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội/ Không có dịch bệnh xảy ra trong khu vực lễ hội/ Không thu phí vệ sinh công cộng.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, Bộ VHTTDL cũng chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục như hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội; công tác quy hoạch khu vực dịch vụ bán hàng hóa chưa khoa học, ảnh hưởng đến cảnh quan và sự tôn nghiêm của di tích; việc đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số nơi chưa được xử lý kịp thời; hiện tượng thắp hương trong nội tự, đốt vàng mã nhiều...

Lãnh đạo Bộ VHTTDL tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Nghị định 110 cũng lưu ý, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội, giải pháp quan trọng đầu tiên là tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản quản lý lĩnh vực đặc thù này, đặc biệt là Nghị định 110. Trong đó, cần chú trọng các giải pháp tuyên truyền đối với chủ thể văn hóa và công chúng về bảo vệ, phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội, việc thực hiện nếp sống văn minh khi thực hành và tham gia lễ hội. Cùng với đó, cần đẩy mạnh vai trò truyền thông của báo chí trong việc giới thiệu nguồn gốc, nhận diện giá trị của lễ hội, di tích, định hướng những hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, mùa lễ hội 2020 đã không diễn ra theo kế hoạch bởi sự ập đến bất ngờ của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, chấn chỉnh và đẩy lùi các mặt trái tiêu cực, nâng cao hiệu lực pháp lý của những quy định tại Nghị định 110 và hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội vẫn luôn là nhiệm vụ thường trực đối với các BQL di tích, BTC lễ hội và chính quyền các địa phương.

Theo HOÀNG NGÂN/baovanhoa.vn

Tệp đính kèm