Thiếu hụt serotonin có thể gây bất ổn cả về sức khỏe tâm thần lẫn thực thể. Nhưng để xác định serotonin thấp và là nguyên nhân cụ thể cho những rối loạn nào đó của cơ thể không dễ dàng.
Nguyên nhân
Lý do vì sao một số người bị thiếu serotonin vẫn chưa được xác định chính xác. Có một số nguyên nhân tiềm ẩn bao gồm: lão hóa và những thay đổi của não bộ; chế độ ăn uống thiếu hụt dinh dưỡng; căng thẳng mạn tính; thiếu tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên; thiếu vận động...Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không có nguyên nhân rõ ràng.
Dù vai trò của serotonin quan trọng như vậy nhưng đôi khi, một người sẽ không có triệu chứng trầm cảm hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác liên quan đến serotonin, mặc dù có mức serotonin thấp. Vì vậy, chẩn đoán serotonin thấp thường dựa trên các triệu chứng chứ không phải nồng độ serotonin trong máu, và phát hiện các triệu chứng là quan trọng nhất.
Các dấu hiệu, triệu chứng của serotonin thấp
Serotonin giúp điều chỉnh một loạt các chức năng của cơ thể, bao gồm giấc ngủ, cực khoái, chức năng bàng quang và ruột cũng như tâm trạng... Dưới đây là một số triệu chứng tiềm ẩn liên quan đến mức serotonin thấp.
Các triệu chứng sức khỏe tâm thần: Là một trong những biểu hiện phổ biến nhất của mức serotonin thấp. Một số triệu chứng cần lưu ý bao gồm:
Tâm trạng bất ổn: Serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng. Những người cảm thấy hay cáu kỉnh hoặc buồn bã bất thường mà không có lý do rõ ràng có thể do mức serotonin thấp.
Trầm cảm: Cảm giác buồn bã, tuyệt vọng và tức giận, cũng như mệt mỏi kéo dài thậm chí có ý định tự tử, có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Lo âu: Mức serotonin thấp có thể gây ra lo âu. Một số người cũng phát triển chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Tâm thần phân liệt: Những người bị tâm thần phân liệt cũng có thể có serotonin thấp. Họ có thể trải qua những suy nghĩ bất thường không có cơ sở trong thực tế và có thể phát triển ảo tưởng, ảo giác.
Các vấn đề về trí nhớ: Những người bị sa sút trí tuệ cũng có thể có mức serotonin thấp.
Thay đổi giấc ngủ: Serotonin giúp điều chỉnh giấc ngủ. Những người cảm thấy rất mệt mỏi, khó ngủ có thể gặp vấn đề với việc điều chỉnh serotonin tự nhiên của cơ thể.
Chức năng tình dục: Serotonin giúp điều chỉnh nhiều khía cạnh của chức năng tình dục. Một số người có mức serotonin thấp có thể giảm ham muốn, khoái cảm tình dục hoặc giảm khả năng đạt cực khoái.
Chú ý: Serotonin là một trong nhiều chất dẫn truyền thần kinh hỗ trợ khả năng tập trung và học hỏi thông tin mới. Do đó, một số người có serotonin thấp có thể gặp khó khăn với sự tập trung chú ý, giảm động lực hoặc học tập đi xuống.
Tăng động: Ngược với mệt mỏi, thừa năng lượng cũng có nghĩa là có vấn đề với mức serotonin. Ở một số người, serotonin thấp có thể gây tăng động, thừa năng lượng, khó ngồi yên.
Có thể làm tăng mức serotonin của cơ thể bằng chế độ ăn giàu tryptophan.
Các triệu chứng sức khỏe thể chất: Serotonin thấp cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất biểu hiện ở một số triệu chứng sau:
Đau: Đau mạn tính không có nguồn gốc thực thể rõ ràng. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng sự giảm hoặc gián đoạn serotonin có một vai trò trong các triệu chứng này.
Vận động: Những người có serotonin thấp có thể gặp khó khăn với chuyển động, thăng bằng hoặc phối hợp vận động. Ví dụ, bệnh Parkinson, với đặc trưng là chứng rung lắc và các vấn đề về vận động khác có liên quan đến serotonin thấp.
Rối loạn chức năng tình dục: Serotonin giúp tăng thời gian đạt cực khoái. Do đó, serotonin thấp có thể đóng một vai trò trong việc xuất tinh sớm, rối loạn cương dương.
Khó tiêu hóa: Serotonin giúp điều chỉnh nhu động ruột. Nó cũng gây ra cảm giác buồn nôn khi ăn uống.
Kiểm soát bàng quang: Serotonin hỗ trợ tín hiệu thần kinh đến bàng quang. Serotonin thấp có thể gây ra chứng tiểu không tự chủ hoặc các khó khăn khác trong việc tiểu tiện.
Khó đông máu: Mức serotonin thấp có thể làm giảm quá trình chữa lành vết thương, vì chất này có tác dụng giúp đông máu.
Cách tăng serotonin
Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng serotonin. Tuy nhiên, thuốc kê đơn không phải là lựa chọn điều trị duy nhất cho tình trạng serotonin thấp. Các phương pháp sau đây cũng có thể giúp giảm các triệu chứng được cho là liên quan tới mức serotonin.
Tâm lý trị liệu: Tâm lý trị liệu có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của một loạt các tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm lo lắng, trầm cảm, mất ngủ và sang chấn tâm lý. Một số nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp tâm lý trị liệu cũng đồng thời làm tăng các thụ thể serotonin trong não của những người bị trầm cảm nặng.
Giảm căng thẳng: Căng thẳng mạn tính có thể ảnh hưởng đến cách não bộ xử lý hoặc sản xuất serotonin, gây ra một loạt các triệu chứng. Vì thế các biện pháp thư giãn, giảm căng thẳng là cần thiết.
Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên: Ánh sáng mặt trời có thể giúp điều trị chứng trầm cảm theo mùa và một số loại trầm cảm khác có liên quan tới serotonin.
Tập thể dục: Tập thể dục có thể giúp nâng cao mức serotonin. Ngay cả khi không liên quan tới serotonin, tập thể dục cũng là một biện pháp can thiệp khả thi cho chứng trầm cảm và lo âu.
Thay đổi chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể tốt cho sức khỏe chung, bao gồm cả việc sản xuất serotonin. Trong đó nên tăng cường ăn những thực phẩm giàu tryptophan, chất được xem như một chất chống trầm cảm yếu vì nó giúp cơ thể tổng hợp serotonin. Những thực phẩm giàu protein, sắt, riboflavin và vitamin B6 cũng thường chứa hàm lượng cao loại amino acid này.
Lời khuyên của thầy thuốc
Serotonin đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết các chức năng của cơ thể. Vì thế dựa trên những biểu hiện, triệu chứng trên nếu bạn nghi ngờ do serotonin thấp, nên đi khám bác sĩ để có lựa chọn điều trị phù hợp cho những vấn đề sức khỏe liên quan đến serotonin.
Theo suckhoedoisong.vn