Cập nhật: 25/09/2020 09:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến, đứng thứ hai sau ung thư vú. Hầu hết các nước khuyến cáo phụ nữ sau khi bắt đầu quan hệ tình dục 3 năm nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên.

Khi có các biểu hiện như: ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu; ra máu âm đạo bất thường; ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục; đau tức vùng bụng dưới;… cho thấy dấu hiệu của ung thư cổ tử cung cần đến viện ngay.

Tuy nhiên, trước khi có các dấu hiệu này, việc khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ, cùng với tiêm phòng vắc xin sẽ góp phần phòng tránh, phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung.

Bệnh ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi 100% khi tổn thương được phát hiện sớm (quan sát bằng kính hiển vi), chẩn đoán ở giai đoạn I thì tỷ lệ này còn 80-90%, ở giai đoạn II là 75%.

Để tầm soát ung thư cổ tử cung, đầu tiên bệnh nhân đ\sẽ được khám phụ khoa. Tiếp đó, thực hiện soi cổ tử cung (giúp phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung). Bước cuối cùng, bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm Pap và HPV.

Cụ thể:

Xét nghiệm HPV


Virus HPV là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (chiếm 99,7%), lây truyền qua đường tình dục. HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.

Để thực hiện xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ lấy các mẫu tế bào ở cổ tử cung, sau đó kiểm tra sự hiện diện của các chủng virus HPV có nguy cơ gây ung thư cao.

Xét nghiệm Pap


Đây là xét nghiệm thường được thực hiện cùng xét nghiệm HPV. Cụ thể, các bác sĩ sẽ thu thập mẫu tế bào trên bề mặt cổ tử cung, sau đó phết lên lam kính hoặc trộn lẫn trong dịch cố định để kiểm tra dưới kính hiển vi. Mục đích của việc này là để kiểm tra các dấu hiệu bất thường của tế bào về hình dạng, tính chất, nhằm nhận diện dấu hiệu tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong vòng 48 giờ trước khi làm xét nghiệm, chị em không nên thụt rửa âm đạo, không quan hệ tình dục, không đặt nút gạc, các loại bọt, keo tránh thai hoặc các loại kem, thuốc đặt âm đạo. Những ngày có kinh phụ nữ không nên làm xét nghiệm này.

Ngoài ra, còn có những lưu ý sau khi tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap:

- Phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 29 nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần. Không nên sử dụng xét nghiệm HPV ở nhóm tuổi này trừ khi cần thiết: Sau khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.

- Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 65 nên làm xét nghiệm Pap cộng với xét nghiệm HPV được thực hiện 5 năm một lần. Nhưng cứ sau 3 năm thì nên làm xét nghiệm Pap một lần.

- Phụ nữ trên 65 tuổi đã được xét nghiệm ung thư cổ tử cung thường xuyên trong 10 năm qua với kết quả bình thường thì có thể ngừng sàng lọc.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền chúng ta phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài, khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Theo Minh Nhật/dantri.com.vn

 

Tệp đính kèm