Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát triển cây mắc ca. Đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế, đưa mắc ca trở thành một trong những ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam là hướng đi được xác định trong thời gian tới.
Phấn đấu đưa mắc ca trở thành một trong những ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới (Ảnh: BT)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày 30/6/2020, cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với tổng diện tích đạt 16.553,8 ha. Riêng vùng Tây Bắc, trồng được 6.670 ha và vùng Tây Nguyên trồng được 8.769,6 ha, hiện, một số diện tích trồng đã cho thu quả.
Số liệu của các doanh nghiệp cho thấy, hiện nay, khoảng 500 tấn hạt mắc ca dùng để sản xuất bộ sữa hạt, dầu gội, dầu xả; 2.150 tấn sản phẩm hạt sấy (có vỏ), chiếm gần 60%, xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Còn khoảng 1.460 tấn sản phẩm hạt sấy (có vỏ), chiếm 40%, tiêu thụ chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Dự báo đến năm 2020 trở đi, khi sản lượng quả tăng lên do diện tích cho quả tăng, nhu cầu hạt sản xuất các sản phẩm mắc ca tham gia vào thị trường thế giới, giá sản phẩm mắc ca ở trong nước sẽ vận hành theo giá thị trường thế giới. Khi đó, dự báo giá bán hạt khô thương mại (giá sau khi đã sơ chế, đạt độ ẩm theo quy định 2-3%) biến động từ 60.000-80.000 đồng/kg, người trồng mắc ca có thu nhập hiệu quả cao hơn so với trồng cà phê, chè, cao su,...
Theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2020, dự tính tổng sản lượng cung cấp mắc ca cho thị trường toàn cầu mới đạt khoảng 254.000 tấn hạt khô, năm 2025 gần 395.000 tấn hạt (tương đương 125.000 tấn nhân) và năm 2030 với 606.000 tấn hạt (193.000 tấn nhân). Trong khi đó, mắc ca là cây chỉ phù hợp với sinh thái một số vùng nhất định nên việc phát triển diện tích khá hữu hạn. Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nơi tiêu thụ lớn nhưng không thể sản xuất được.
Để tận dụng cơ hội từ cây mắc ca mang lại, đến nay, nước ta đã xuất hiện nhiều mô hình trồng mắc ca bằng nguồn giống có xuất xứ, nguồn gốc và phù hợp với vùng sinh thái, bước đầu có kết quả tốt, giúp cho các hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định (trung bình từ 100-150 triệu đồng/ha/năm cho các diện tích mắc ca trên 6 tuổi), như tại: Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La; TP. Lai Châu, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; thị trấn Chi Nê, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình,…
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã quy hoạch về cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca, gồm 12 cơ sở. Trong đó, vùng Tây Bắc có 6 cơ sở (tỉnh Hòa Bình và Sơn La, mỗi tỉnh 1 cơ sở; tỉnh Điện Biên và Lai Châu mỗi tỉnh 2 cơ sở); công suất từ 50-100 tấn/năm/cơ sở. Vùng Tây Nguyên có 6 cơ sở (tỉnh Lâm Đồng 2 cơ sở; các tỉnh khác, mỗi tỉnh 1 cơ sở); công suất từ 100-200 tấn/năm/cơ sở.
Để tạo thuận lợi hơn cho phát triển cây mắc ca tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Thực hiện lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn tự có và vốn liên doanh liên kết. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến với quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế, chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm sản phẩm mắc ca chất lượng cao như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Mặt khác, nghiên cứu, dự báo kịp thời các thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca trong nước và quốc tế để định hướng phát triển; xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca của Việt Nam.
Để khai thác tốt vấn đề về thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các doanh nghiệp nghiên cứu, dự báo kịp thời các thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca trong nước và quốc tế để định hướng phát triển. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiềm năng và xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca của Việt Nam đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đi cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người trồng mắc ca, nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi sản xuất. Phát triển logistic nhằm giảm chi phí sản xuất, vận chuyển trong chế biến, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm mắc ca trên thị trường quốc tế, đưa Mắc ca trở thành một trong những ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam./.
Theo BT/dangcongsan.vn