Cập nhật: 04/10/2020 18:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 và 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2020), sáng 3-10, tại khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, nằm trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khai mạc triển lãm “Thăng Long - Hà Nội những dấu son lịch sử”.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: DUY LINH) 

Dự khai mạc triển lãm có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chu Ngọc Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Triển lãm “Thăng Long - Hà Nội: Những dấu son lịch sử” là một phác họa theo hình thức biên niên từ hơn 200 hình ảnh, tư liệu, tài liệu, hiện vật.

Các hình ảnh, hiện vật được chia làm ba chuyên đề: Thứ nhất là “Hà Nội - Kinh đô muôn đời”, giới thiệu các hình ảnh, tài liệu, hiện vật của giai đoạn từ năm 1010 khi đức vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long, đến năm 1858 khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần đầu tiên. Các dấu mốc lịch sử được giới thiệu gồm: Triều đại nhà Lý, triều đại nhà Trần, triều đại nhà Lê, triều đại Tây Sơn, triều đại nhà Nguyễn.

Ở chuyên đề “Hà Nội - Tiếp nối trang sử vàng”, Ban tổ chức giới thiệu các hình ảnh, tài liệu, hiện vật của giai đoạn từ năm 1858 đến năm 1986 với các dấu mốc chính: Hà Nội buổi đầu chống Pháp (1858-1930), Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội (tháng 3-1929), đấu tranh giành độc lập (1930-1945), Sống mãi với Thủ đô (1946-1947), Hà Nội - Ngày trở về (10-10-1954), Hà Nội kiên cường chống Mỹ (1954 - 1975), Hà Nội - Thủ đô Việt Nam thống nhất (1975-1986), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội.

 

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy và các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: DUY LINH) 

Chuyên đề cuối cùng có tên “Hà Nội - Đổi mới, sáng tạo và phát triển” nhấn mạnh quá trình phát triển của Thủ đô từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), xóa bỏ cơ chế bao cấp, Hà Nội đổi thay từng ngày. Trong đó, có những dấu mốc quan trọng như: Năm 1999, Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, bạn bè quốc tế vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; Năm 2000, Hà Nội được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Thủ đô Anh hùng”.

Từ đó đến nay, Hà Nội trở thành địa phương liên tục có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đời sống văn hóa tinh thần của người dân nâng cao. Năm 2019, Hà Nội gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, tiếp tục những bước tiến mạnh mẽ khẳng định vị thế, vai trò là trái tim của cả nước.

Qua các chuyên đề trưng bày, truyền thống người Hà Nội thanh lịch, văn minh được làm nổi bật lên. Cùng với đó là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, một số công trình, dự án ấn tượng trong quy hoạch, xây dựng đô thị Hà Nội, Hà Nội điểm đến an toàn, thân thiện, từ Thành phố Vì hòa bình đến Thành phố sáng tạo.

Triển lãm diễn ra từ nay đến 21 giờ ngày 15-10.

 

Theo GIANG NAM/nhandan.com.vn

 

 

Tệp đính kèm