Cập nhật: 19/10/2020 08:51:00
Xem cỡ chữ

Do ảnh hưởng của bão, khu vực biển Nam Định có sóng cao kết hợp với triều cường đã gây sập, sạt tại một số vị trí ở mái kè Hải Thịnh 3 thuộc tuyến đê biển huyện Hải Hậu.

Đoàn kiểm tra công tác tác khắc phục sự cố đê biển tại Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Chiều 14/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài dẫn đầu đã kiểm tra công tác khắc phục sự cố đê biển tại tỉnh Nam Định.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, do ảnh hưởng của bão, khu vực biển Nam Định có sóng cao kết hợp với triều cường đã gây sập, sạt tại một số vị trí ở mái kè Hải Thịnh 3 thuộc tuyến đê biển huyện Hải Hậu. Tổng diện tích các hố bị võng, sập, sạt gần 280m2.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Ủy ban nhân dân huyện Hải Hậu phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành xử lý bằng cách trải vải lọc, xếp các rọ thép đựng đá hộc phủ lên trên các vị trí bị sạt, sụt; liên kết các rọ thép lại với nhau bằng dây thép buộc chặt.

Khi triều cường xuống tiến hành tháo dỡ rọ đá, các cấu kiện bị sập, sạt để đắp bù đất thịt, trải vải địa kỹ thuật, rải đá dăm lót, tận dụng cấu kiện cũ lát lại mái kè, phần tiếp giáp đổ bêtông tại chỗ nhằm hạn chế tác động của sóng biển đối với thân và mái đê. Công tác khắc phục sự cố đã hoàn thành từ chiều 13/10.

Kiểm tra thực tế các điểm sạt, sụt trên tuyến đê biển Nam Định, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh Nam Định, các địa phương có đê biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, nhất là tại các vị trí đê xung yếu để xử lý kịp thời các sự cố phát sinh; xây dựng phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, để chủ động phòng chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 7 có thể gây ra, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi từ tối 13/10; cấm hoạt động vui chơi giải trí tại các khu du lịch ven biển và yêu cầu người dân di dời khỏi chòi canh ngao vạng từ sáng 14/10.

Cảng vụ Hàng hải tỉnh Nam Định phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành liên quan hướng dẫn các chủ tàu trọng tải lớn nếu không vào được các cảng, khu neo đậu của tỉnh phải vào sâu phía trong dòng sông để trú ẩn hoặc di chuyển đến các cảng lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng nhằm đảo bảo an toàn.

Hiện nay, toàn bộ hơn 2.100 tàu thuyền với trên 6.100 ngư dân tỉnh Nam Định đã vào các khu neo đậu trong và ngoài tỉnh an toàn.

Hơn 1.220 lao động tại trên 1.000 lều chòi nuôi tôm, nuôi ngao ở khu vực ven biển của tỉnh cũng đã vào bờ. Huyện Hải Hậu đã sơ tán 550 người, chủ yếu ở các kiốt du lịch tại thị trấn Thịnh Long và xã Hải Lý đến nơi an toàn.

Các địa phương trong tỉnh tiến hành tiêu rút nước đệm trong cánh đồng, đợi sau khi bão tan thu hoạch nhanh diện tích lúa Mùa, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai../.

Theo Vũ Văn Đạt (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/kiem-tra-cong-tac-tac-khac-phuc-su-co-de-bien-tai-nam-dinh/669301.vnp