Năm học 2020-2021, là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới cấp tiểu học trong bối cảnh Covid-19. Tuy nhiên, "sạn" trong SGK Cánh Diều đã gây ồn ào, bức xúc.
Học sinh lớp 1 năm nay đi học trong bối cảnh khó khăn vừa chống dịch Covid-19, vừa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Do Covid-19, giáo viên ít được tập huấn, học sinh chưa được nhận biết mặt chữ
Năm học 2020-2021 là năm học toàn ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép với mục tiêu là vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Đây cũng là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học đối với lớp 1 trong bối cảnh có những khó khăn.
Do tình dịch bệnh Covid-19 nên học sinh trước khi vào lớp 1 ở nhà khá dài (khoảng 6 tháng, từ tháng 2 đến hết tháng 8) nên các em học sinh hầu như không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, không được học nhận biết các mặt chữ, hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1.
Mặt khác do khung thời gian năm học 2020-2021 tất cả đều thực hiện tổ chức dạy học chính thức sau khai giảng 05/9/2020, không có thời gian làm quen nề nếp, tâm lí cho học sinh lớp 1, các năm học trước có 02 tuần bắt đầu tựu trường từ 15/8/2020 để học sinh và giáo viên tổ chức làm quen tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh lớp 1 điều này rất khó khăn cho các nhà trường tiểu học và giáo viên lớp 1.
Đối với giáo viên dạy lớp 1, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai tập huấn có gián đoạn và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ và chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới.
Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua trực tuyến, được thực hành trên môi trường mạng, ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình tập huấn.
Sách giáo khoa không biên soạn theo bài mà theo chủ đề
Về chương trình và sách giáo khoa mới, đặc biệt là năm đầu tiên triển khai thực hiện, Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học.
Đặc biệt, sách giáo khoa không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức; giao cho giáo viên, nhà trường nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng vì vậy cùng một chủ đề trong SGK nhưng tùy vào đối tượng học sinh mà trường này có thể dạy 2 tiết, nhưng trường khác có thể dạy 3,4 tiết cho phù hợp đối tượng.
Tốc độ thực hiện chương trình nhanh hay chậm từng giai đoạn có thể khác nhau giữa các trường, miễn là không vượt quá tổng thời gian cho môn học đó trong một năm; trong quá trình thực hiện, giáo viên nhà trường điều chỉnh cho phù hợp (đây là điểm mới, giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường nhiều hơn) nên giáo viên, nhà trường nhiều nơi chưa mạnh dạn thực hiện mà vẫn thực hiện theo cách cũ.
Trong khi đó, phụ huynh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình (vì hạn chế thời gian nên các nhà trường có hạn chế trong việc trao đổi với phụ huynh); thường so sánh chương trình cũ và mới và đưa ra những nhận định, đánh giá chưa thật phù hợp và đầy đủ, gây áp lực cho con và cho giáo viên, nhà trường…
Học sinh học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết
Bộ GDĐT khi xây dựng chương trình đã đặc biệt chú ý để thực hiện việc giảm tải trong chương trình để tăng tính trải nghiệm thực hành. Tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cả cấp tiểu học trong chương trình năm 2000 và chương trình năm 2018 không thay đổi, cụ thể:
Lớp
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
Tổng
|
CT 2000
|
350
|
315
|
280
|
280
|
280
|
1.505
|
CT 2018
|
420
|
350
|
245
|
245
|
245
|
1.505
|
Tuy nhiên, số tiết cho lớp 1 và lớp 2 trong chương trình 2018 có tăng (2 tiết/tuần cho lớp 1 và 1 tiết/tuần cho lớp 2) so với chương trình 2000; ngược lại số tiết cho lớp 3, 4, 5 trong chương trình 2018 lại giảm.
Việc tăng số tiết cho lớp 1 và 2 (các lớp đầu cấp tiểu học) nhằm giúp học sinh phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó có được công cụ để học tốt các môn học khác.
Về nội dung kiến thức, chương trình 2018 có phần giảm nhẹ hơn so với chương trình năm 2000, tăng tiết đối với lớp 1, lớp 2 là để giảm tải, chứ không phải tăng tải, giúp các em học sinh học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới biết đọc, biết viết.
Để hoàn thành nhiệm vụ này trước đây chương trình năm 2000 chỉ được thực hiện trong phạm vi 350 tiết một năm, tính trung bình 10 tiết 1 tuần; còn chương trình năm 2018 được thực hiện đến 420 tiết một năm, tăng thêm 2 tiết để giáo viên, học sinh dạy học đỡ vất vả hơn.
Theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thì Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, cho phép sử dụng SGK.
Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
5 bộ sách được phê duyệt
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 05 bộ với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy (SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều là 1 trong số 46 quyền SGK lớp 1 được phê duyệt vừa qua).
Tất cả các quyển SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, không còn sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK như trước đây.
Bộ GDĐT tổ chức soạn thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT theo quy định tại Nghị quyết 88: "Cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh".
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 thì thẩm quyền lựa chọn SGK được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn".
32% chọn sách giáo khoa Cánh Diều
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, toàn quốc hiện có khoảng 14.000 trường Tiểu học; gần 500.000 giáo viên Tiểu học, trong đó có khoảng 100.000 giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 năm học 2020-2021 (trực tiếp lựa chọn SGK lớp 1).
Thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT về Hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT các nhà trường đã tổ chức thực hiện lựa chọn SGK lớp 1 theo đúng quy định và kết quả lựa chon các bộ SGK cụ thể như sau:
Yêu cầu Nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa
Trước phản ánh về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (Sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020 (Công văn số 4090/BGDĐT-GDTH ngày 09/10/2020).
Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn, cụ thể:
Về cơ bản ngữ liệu trong sách đã đáp ứng được các tiêu chí của ngữ liệu theo quy định trong Thông tư 33. Sau quá trình rà soát nghiêm túc các ngữ liệu trong sách, để sách hoàn chỉnh và đảm bảo tính phù hợp hơn, Hội đồng thẩm định tiếp tục đề nghị các tác giả điều chỉnh, cung cấp một số ngữ liệu để gợi ý cho giáo viên và các nhà trường lựa chọn sử dụng trong quá trình tổ chức dạy học.
Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 nhiều "sạn" cần phải sửa lại nhiều
Về một số từ ngữ như: “nhá”, “nom”, “quà…quà,..”, Hội đồng thẩm định đã khuyến nghị ở Biên bản vòng 1, sau khi rà soát sách, HĐTĐ tiếp tục đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp và hay hơn.
- Một số từ ngữ được đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng như: “chén”, “cuỗm”, “tợp”, “dưa đỏ”, “lồ ô”, “be be”, “lỡ xô”, “bê đồ” “ti vi”, “bế”, “khổ mỡ”, HĐTĐ đề nghị nhóm tác giả tìm các từ ngữ khác phù hợp.
Một số đoạn/bài như : “Hai con ngựa”, “Cua, cò và đàn cá”, “Lừa, thỏ và cọp”, sau khi rà soát sách, HĐTĐ tiếp tục đề nghị tác giả thay thế văn bản.
Một số đoạn/bài khác được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng như: “Ve và gà”, “Ước mơ của tảng đá”, “Quạ và chó”, HĐTĐ đề nghị tác giả thay thế văn bản khác cho phù hợp.
Hội đồng thẩm định đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn và các đoạn/bài “đa nghĩa” (đã xuất hiện khá nhiều trong bộ sách). Các tác giả nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam.
Bộ GDĐT đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh
Để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, đúng quy định, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 3977/BGDĐT-GDTH chỉ đạo các địa phương chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý, không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.
Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1. Tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình.
Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng sách giáo khoa trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GDĐT chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GDĐT theo quy định.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay Bộ GDĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi Hội đồng đánh giá Đạt và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng ký ban hành.
Dự kiến thực hiện lấy ý kiến trên Cổng thông tin của Bộ tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Hồng Hạnh (tổng hợp)/dantri.com.vn