Cập nhật: 14/11/2020 09:54:00
Xem cỡ chữ

Lực nắm tay có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của con người, thậm chí là cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, lực cầm nắm có thể được sử dụng như một chỉ số quan trọng của sức khỏe, để hiểu mức độ lão hóa của cơ thể con người và phát hiện các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim và ung thư.

Theo khoa học, nam giới từ 20 đến 30 tuổi có sức cầm nắm mạnh nhất, trong khi phụ nữ trên 75 tuổi có sức cầm nắm yếu nhất. 

Lực cầm nắm trung bình của nam từ 20 đến 29 tuổi là 46 kg, đối với nữ là 29 kg. Đến độ tuổi 60 đến 69, lực cầm nắm trung bình giảm xuống lần lượt là 39 kg (nam) và 23,5 kg (nữ).

Có thể biết tình trạng sức khỏe qua... cái bắt tay - 1

Nghiên cứu cho thấy, những người có sức mạnh nắm tay yếu (khi so sánh ở cùng độ tuổi, cùng giới tính) có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Cụ thể là cấu trúc và chức năng của tim có thể có vấn đề.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lực cầm nắm yếu là một trong những dấu hiệu cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ tử vong do bệnh tim.

Không chỉ vậy, lực cầm nắm cũng có thể giúp dự đoán khả năng sống của bệnh nhân ung thư, bên cạnh các yếu tố khác như loại ung thư và thời điểm phát hiện. Theo đó, một công trình khoa học được thực hiện trước đây cho thấy, những bệnh nhân ung thư không tế bào nhỏ có lực cầm nắm lớn hơn sẽ có thời gian sống dài hơn.

Dữ liệu cũng cho thấy, nam giới bị ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi từ 60 đến 69 tuổi , và phụ nữ bị ung thư vú, ung thư phổi, có thể giảm trung bình 5 kg lực cầm nắm so với người bình thường. 

Béo phì cũng có thể dẫn đến giảm lực cầm nắm, đặc biệt là ở tuổi già. Mỡ xung quanh cơ sẽ làm giảm hiệu quả của cơ. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng bệnh nhân tiểu đường type 2 có sức cầm nắm yếu hơn người không mắc bệnh.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, theo tuổi tác, các cơ của cơ thể giảm dần. Bắt đầu từ tuổi trung niên, khối lượng cơ bắp sẽ mất đi 1% mỗi năm, và đến tuổi 80 đến 90, lượng cơ bắp mất đi sẽ lên đến 50%.

Dưới tác động của các loại bệnh tật, bao gồm bệnh tim, tiểu đường và ung thư, lực cơ của cơ thể và chức năng vận động bị suy giảm. Chức năng bị suy giảm khiến người bệnh ít muốn vận động hoặc sử dụng cơ, điều này làm cho cơ bị thoái hóa thêm, trở thành một vòng luẩn quẩn.

Đặc biệt, ung thư ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và làm giảm cảm giác thèm ăn của người bệnh gây tình trạng kém ăn. Trong khi đó, protein trong thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì khối lượng cơ và sức mạnh. 

Theo Minh Nhật/dantri.com.vn –Ngày 14/11/2020