Tình trạng này làm đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sống nơi đây bị đảo lộn.
Các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực trong thời gian gần đây, khiến vùng ven biển ở Bình Thuận có sóng to, gió lớn gây sạt lở vùng ven biển. Tình trạng này làm đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sống nơi đây bị đảo lộn.
Sạt lở khu vực thôn 3 xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.
Là người dân sống ven biển từ bao đời nay, nhưng chưa năm nào anh Châu Ngọc Thạch (ngụ ở thôn 2, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) thấy tình trạng biển xâm thực mạnh như năm nay. Biển xâm thực khiến chiều dài bờ biển bị sạt lở hơn 1km, lấn sâu vào đất liền từ 20-30m, có những đoạn chỉ còn cách mép đường ĐT716 (đoạn từ xã Chí Công – Hoà Minh) khoảng 2-5m, làm ngã đổ 15 cây dương có đường kính từ 40-70cm và nguy cơ cao tiếp tục ngã đổ hàng chục cây dương khác.
"Mùa Nam thường nước lớn, khi mà có áp thấp hay bão thì nước dâng càng cao hơn nữa, xói mòn càng nhiều. Mực nước biển dâng theo trăng, tối về thì càng dâng cao".
Ngoài thôn 2, xã Bình Thạnh, trên địa bàn huyện Tuy Phong, khu vực thôn 3, xã Phước Thể cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng khi nước biển lấn sâu vào đất liền hơn 15m. Xói lở mạnh sát chân kiềng nhà của các hộ dân, uy hiếp trực tiếp đến 16 hộ dân với 64 nhân khẩu của thôn 3. Bởi vậy, nếu không có giải pháp khẩn cấp, thì 16 căn nhà của người dân đang sinh sống ven bờ biển sẽ bị nước biển đánh sập; hơn 30 hộ có nhà ở bên trong cũng bị ảnh hưởng.
Nước biển xâm thực khu vực thôn 2 xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Bà Đoàn Thị Dùm (ngụ ở thôn 3, xã Phước Thể) cho biết: " Năm nay bão lũ, sóng to vô tới nhà bà con luôn. Người ta đổ 11 xe đá để khắc phục sạt lở mà sóng nó đánh cuốn đi hết luôn, còn đất cát không thôi".
Theo UBND huyện Tuy Phong, đoạn bờ biển sạt lở này đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Quy hoạch công trình chống xói lở bờ biển giai đoạn 2011 – 2020 với việc xây dựng kè với quy mô 800m. Công trình này dự kiến triển khai xây dựng trong giai đoạn 2016-2020, nhưng do hạn chế về nguồn vốn nên chưa thực hiện được.
Ông Nhữ Quốc Thích - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tuy Phong cho biết, trong khi chờ nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ xây dựng kè, trước mắt cần phải gia cố khẩn cấp vị trí sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 300m, theo giải pháp kết cấu bằng rọ thép, xếp đá lô-ca bên trong và lớp vải địa kỹ thuật TS60 để ổn định đường bờ biển.
"Khu vực kè bảo vệ bờ biển khu vực thôn 1, xã Phước Thể đã được xây dựng kiên cố dài 400m với kết cấu bê tông, đến nay bị xuống cấp, hư hỏng. Vừa qua, do ảnh hưởng của các cơn bão đã làm hư hỏng nặng khoảng 150m phần chân và mái kè, có nhiều đoạn bị sụt lún, gẫy rời cục bê tông. Hiện cũng đã báo cáo và xin kinh phí sửa chữa", ông Thích cho biết.
Người dân đổ đá, bao cát để gia cố khu vực sạt lở.
Ngoài huyện Tuy Phong, tại các khu vực ven biển khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng có nhiều vị trí sạt lở, như ở khu phố 2, 9, 11, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết; khu vực ven biển huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi…Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ khẩn cấp kinh phí từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai năm 2020 để hỗ trợ các địa phương sửa chữa một số đoạn kè bị sụt lún, hư hỏng, xây dựng kè tạm bảo vệ bờ biển, kịp thời hạn chế thiệt hại do triều cường, sóng lớn./.
Theo Đoàn Sĩ/VOV-TP HCM – Ngày 13/11/2020