Cập nhật: 18/11/2020 10:47:00
Xem cỡ chữ

Nuôi cá nước lạnh là lợi thế sẵn có của nhiều địa phương tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong khi đó, đây là mặt hàng có nhiều tiềm năng khi thị trường tiêu thụ trong nước đang có nhu cầu cao về cá tươi sống, cấp đông và thị trường thế giới có nhu cầu lớn về trứng cá nước lạnh.

Nhu cầu tiêu thụ cá nước lạnh trong nước có xu hướng gia tăng

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), các loài cá nước lạnh như: cá hồi, cá tầm… là đối tượng nuôi thủy sản có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới.

Với những nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, hiện nay, cá nước lạnh đã được nhiều tỉnh xem như một trong những đối tượng nuôi quan trọng, góp phần vào khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, trong đó, sản lượng cá nuôi nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình như: Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu,...

Phấn đấu giá trị xuất khẩu trứng cá nước lạnh đạt 20-25 triệu USD vào năm 2030 (Ảnh minh họa: SN)

Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007, sau thời gian hai năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng là 95 tấn; năm 2010 đạt 450 tấn; năm 2015 đạt 1.585 tấn và đến năm 2020 ước đạt 3.720 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007-2020 trung bình 68,75%/năm. Trong đó, cá nước lạnh được nuôi trong các hệ thống như ao, bể, lồng, bè trên hồ chứa. Năng suất đạt trung bình từ 3-8 kg/m3 trong bể, từ 2-5 kg/m2 trong ao và từ 10-12 kg trong lồng/bè.

Việc phát triển nuôi cá nước lạnh trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới gồm: Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức.

Hiện nay, sản phẩm cá nước lạnh của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ là cá tươi sống hoặc cấp đông, chưa qua các chế biến. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hồi, cá tầm nuôi trong nước tập trung tại các thành phố lớn, phát triển du lịch như: Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, … Được xem là một mặt hàng tương đối mới, có giá trị cao nên những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cá hồi, cá tầm nuôi trong nước xu hướng gia tăng.

Tại một số tỉnh có tiềm năng nuôi cá nước lạnh, một số cơ sở nuôi đã tiêu thụ các sản phẩm cá tầm, cá hồi ngay tại địa phương thông qua các kênh phân phối bán lẻ tại các chợ, trong các siêu thị, tại các nhà hàng khách sạn cao cấp hoặc bán trực tiếp tại trại khi có khách du lịch đến thăm quan mô hình nuôi. Cá thương phẩm bán tại cơ sở nuôi giao động từ 150.000 đến 250.000 đồng/kg tùy thời điểm và khu vực.

Phấn đấu giá trị xuất khẩu trứng cá nước lạnh đạt 20-25 triệu USD vào năm 2030

Để phát huy lợi thế nuôi cá nước lạnh, theo Tổng cục Thủy sản, trong giai đoạn 2021-2030, sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước, nguồn nước lạnh để phát triển nuôi cá nhằm tạo sản phẩm có giá trị cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, phát triển cá nước lạnh theo hướng công nghiệp dựa trên việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ. Ưu tiên đầu tư sản xuất ở những nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng thuận lợi, từng bước mở rộng sản xuất ở các vùng có tiềm năng khi có đủ điều kiện.

Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số sản phẩm cá nước lạnh được xuất khẩu. Sản xuất được 100% nhu cầu giống đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm và 100% nhu cầu thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá nước lạnh.

Đáng chú ý, phấn đấu sản phẩm trứng cá nước lạnh đạt từ 5.000 kg đến 10.000 kg/năm, giá trị sản phẩm xuất khẩu đạt khoảng 20-25 triệu USD. Đây là mục tiêu có tính khả thi khi hiện nay lượng cung trứng cá tầm từ các nước mới đạt khoảng 200 tấn/năm, đáp ứng được khoảng gần 10% tổng nhu cầu của thị trường thế giới.

Hướng tới các mục tiêu trên, Tổng cục Thủy sản cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần ban hành Kế hoạch phát triển cá nước lạnh giai đoạn 2021-2030 để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư; đồng thời để các địa phương tổ chức quản lý phát triển cá nước lạnh, không để hiện tượng “cung” vượt “cầu”.

Về giải pháp con giống và thức ăn, hiện nay, một số cơ sở bước đầu đã sản xuất và cung ứng thức ăn ra thị trường, tuy nhiên, chưa đáp ứng được nhu cầu nên đa phần thức ăn cho cá vẫn còn phải nhập khẩu với giá thành cao. Do vậy, để giảm giá thành, cần hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất thức ăn phục vụ cho nuôi cá nước lạnh.

Thực tế cho thấy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất thức ăn trong nước và cơ quan nghiên cứu,… để từng bước hoàn chỉnh các công thức thức ăn cho từng nhóm đối tượng nuôi nhằm thay thế thức ăn nhập khẩu, giảm chi phí cho sản xuất. Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng bảo quản thức ăn cho các cơ sở nuôi để nâng cao hiệu quả nuôi. Hoàn thiện công nghệ sản xuất con giống cá nước lạnh để chủ động 100% giống cá trong nước.

Thứ nữa, để tạo được chất lượng và mang lại giá trị cao cho ngành nuôi cá nước lạnh, theo Tổng cục Thủy sản, cần áp dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Chủ động chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống, các biện pháp phòng trị dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường cho các cơ sở nuôi và sản xuất giống cá nước lạnh. Khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường. Các cơ sở sản xuất cá nước lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các quy định hiện hành.

Thị trường là vấn đề cần quan tâm để thúc đẩy phát triển nuôi cá nước lạnh. Do vậy, cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng sản phẩm cá nước lạnh để chủ động trong sản xuất. Đa dạng hóa các sản phẩm cá nước lạnh (cá thịt, cá trứng, trứng cá, sản phẩm phụ,...) để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tổ chức tốt công tác thông tin về thị trường tiêu thụ, biến động giá cả đến các cơ sở sản xuất cá nước lạnh để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, cần chú ý phát triển công nghệ chế biến cá nước lạnh nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ thị trường cao cấp (nhà hàng, khách sạn lớn) mà còn giúp cá nước lạnh có mặt tại các siêu thị, trung tâm buôn bán, tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm ngày càng nhiều. Tiến hành xây dựng thương hiệu, góp phần ổn định sản xuất, tạo vị thế cho sản phẩm cá nước lạnh Việt Nam trong khu vực và trên thị trường thế giới./.

Theo BT/dangcongsan.vn – Ngày 18/11/2020