Với sự sáng tạo trong cách thức tổ chức, vận hành, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đang khiến những nhà văn hóa thôn, làng chuyển mình, trở thành không gian hấp dẫn, nuôi dưỡng tình yêu văn hóa, nghệ thuật, thể thao; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ thành công này, TP Hà Nội đang nỗ lực “phủ sóng” toàn bộ nhà văn hóa đến các thôn, làng.
Biểu diễn tuồng ở xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Xếp lịch để… sử dụng nhà văn hóa
Từ sáng sớm, không gian nhà văn hóa thôn Vang (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) đã rộn rã tiếng cười. Từ ngày được trang bị các dụng cụ thể thao lắp đặt ở sân, nhiều người trong thôn đã đến để “khởi động” cho ngày mới. Các dụng cụ luyện tập khá phong phú, phù hợp nhiều lứa tuổi như: Thiết bị đi bộ trên không, đạp xe, chèo thuyền, xoay lắc lưng eo… Ngay cạnh nhà văn hóa là một sân bóng đá mi-ni. Hiếm sân bóng đá nào được đầu tư bài bản như sân bóng thôn Vang, với hệ thống khung thành bằng sắt mạ kẽm, rào chắn, thảm cỏ nhân tạo… Không khí lắng xuống khi đến giờ đi làm, nhưng sôi động trở lại khi tối đến. Tiếng nhạc du dương cất lên, hàng chục người bắt đầu luyện tập khiêu vũ cổ điển. Chỉ vài năm trước, không ai có thể ngờ được, có những cô bác ban ngày là nông dân ra đồng cấy hái, tối đến lại cùng nhau trong những bước nhảy dập dìu. Ở một nửa sân kia, một nhóm khác đang tập dưỡng sinh múa quạt. Thôn Vang có đến năm Câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, thể thao khác nhau. Và câu lạc bộ nào cũng mạnh. Sôi nổi nhất là các CLB: Khiêu vũ, tuồng, trống hội, lân - sư - rồng. Bí thư Chi bộ thôn Vang Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: “Nếu trước đây nói chuyện khiêu vũ, nhiều người ngại lắm. Nhưng khi trong thôn có người giỏi khiêu vũ, chúng tôi vận động mọi người tham gia. Ban đầu thì lúng túng, ngượng nghịu, sau thì thấy khiêu vũ cổ điển rất văn hóa, lại góp phần tăng cường sức khỏe. Trừ những ngày mưa gió, còn ngày nào CLB Khiêu vũ cũng hoạt động. Mọi người nhận thức được hoạt động nhà văn hóa gắn liền với lợi ích của mình cho nên nhiệt tình tham gia. Riêng bộ dụng cụ thể dục, thể thao, nhân dân chung tay đóng góp 250 triệu đồng để mua. Do có nhiều CLB cho nên phải chia lịch rõ ràng, hôm nào tập trống, hôm nào tập văn nghệ, tập dưỡng sinh… để không ảnh hưởng lẫn nhau”. Nhà văn hóa thôn Vang còn là trụ sở của một số CLB văn hóa, văn nghệ của xã Cổ Loa.
Sang những thôn khác của Cổ Loa nói riêng, Đông Anh nói chung, hóa ra nhà văn hóa nào cũng tấp nập như thế. Chuyện ở thôn Hà Lỗ, xã Lỗ Khê là một thí dụ khác. Những khi có lễ hội hay kỷ niệm các tiết mục văn nghệ của Hà Lỗ hết sức phong phú, do chính người dân tự diễn - tự thưởng thức, từ dân ca, đến múa lân - sư - rồng. Toàn địa bàn không xã nào có dưới… 10 CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao. Tương tự, là hoạt động nhà văn hóa thôn, làng ở các xã: Xuân Canh, Đông Hội, Hải Bối…
Hà Nội có hơn 50% dân số ở ngoại thành. Các thiết chế văn hóa lớn, các dịch vụ vui chơi, giải trí thường tập trung ở khu vực nội đô, cho nên thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là nhà văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người dân. Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các địa phương vừa đầu tư hạ tầng, vừa tập trung thay đổi về “chất” trong hoạt động nhà văn hóa. Huyện Đan Phượng là địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới, cũng là địa phương quan tâm đến đời sống văn hóa cơ sở. Chúng tôi đến thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng khi đội bóng chuyền hơi đang đua tài trong sân nhà văn hóa. Không khí trên sân hết sức sôi nổi. Sau trận đấu buổi chiều, nhà văn hóa lại “sáng đèn” khi các CLB đến tập luyện văn nghệ, tập dưỡng sinh... Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức cho biết: “Trên địa bàn xã hoạt động của các CLB văn nghệ, thể thao gắn liền với các đoàn thể: Người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ, Đoàn thanh niên… các đoàn thể phụ trách CLB mà mình có thế mạnh. Cùng với đời sống đi lên, các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển theo”. Đan Phượng có 16 xã, thị trấn với 129 thôn, làng, tổ dân phố. Chỉ trong năm 2020, huyện Đan Phượng đã xây mới, nâng cấp chín nhà văn hóa, nâng tổng số khu dân cư có nhà văn hóa lên 127/129. Hai khu dân cư còn lại cũng sẽ sớm có nhà văn hóa trong thời gian tới.
Dù cách làm khác nhau, song tại hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội, nhà văn hóa đang được thổi một “luồng gió mới”. Tại thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), nhà văn hóa nhìn ra hồ, được kè đá cẩn thận. Không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mà hầu hết đám cưới trong thôn đều tổ chức tại nhà văn hóa. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, trên địa bàn Thanh Oai, 65% số nhà văn hóa có diện tích hơn 1.500 m2, đạt chuẩn về diện tích và trang thiết bị. Kết quả này có được là nhờ địa phương đã phát huy tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Kinh phí xây dựng công trình từ nguồn ngân sách, còn chi phí đầu tư trang thiết bị, cảnh quan, cây xanh… do nhân dân đóng góp, ủng hộ.
Đồng bộ “vỏ” và “ruột”
Xây dựng nhà văn hóa cơ sở, nhất là khu vực ngoại thành là chủ trương lớn của TP Hà Nội trong thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh (từ nhiệm kỳ 2020-2025 đổi tên là Chương trình số 06). Cũng có thời gian, một số địa phương xây dựng nhà văn hóa chủ yếu để “đủ tiêu chí”. Từ đó, những nhà văn hóa “phủ bụi” chiếm số lượng không nhỏ. Tuy nhiên những năm gần đây, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, hầu hết các địa phương đều xây dựng cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa cơ sở. Tại huyện Đan Phượng - đơn vị được đánh giá là tiên phong trong nâng cấp hoạt động nhà văn hóa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phan Công Tính cho biết: “Từ năm 2016, huyện đã triển khai đề án Nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa thôn. Huyện thực hiện song song việc cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa với kiện toàn ban chủ nhiệm nhà văn hóa; mỗi ban chủ nhiệm được hỗ trợ kinh phí từ 4 đến 5 triệu đồng/năm để hoạt động, đồng thời được tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho nên hoạt động ngày càng bài bản, hiệu quả”.
Tương tự, huyện Đông Anh quan tâm đến chất lượng nhà văn hóa bằng Đề án số 05-ĐA/BCĐ về “Đẩy mạnh thực hiện chương trình 03-CTr/HU, tập trung xây dựng, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2018-2020” từ tháng 1-2018. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết: “Huyện chú trọng hoàn thiện hạ tầng thiết chế văn hóa, tất cả tổ dân phố, thôn, làng có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Năm 2018, huyện kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý nhà văn hóa của tất cả 195 thôn, tổ dân phố với lãnh đạo thôn hoặc tổ dân phố trực tiếp làm Chủ nhiệm nhà văn hóa, khu thể thao. Toàn huyện hiện có gần 1.200 CLB văn hóa, thể thao. Huyện còn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ xã, cán bộ khu dân cư về vận hành, quản lý nhà văn hóa, khu thể thao”. Tại một số địa phương, ngoài các CLB văn hóa, thể thao, còn tổ chức những phòng đọc sách, CLB thơ…
Bên cạnh những địa bàn có điều kiện kinh tế khá, nhiệm vụ của các nhà văn hóa chủ yếu tập trung vào nâng cấp, nâng cao chất lượng hoạt động thì một số địa phương do điều kiện kinh tế khó khăn chưa xây dựng được nhà văn hóa hay khu luyện tập thể thao. Để tháo gỡ vấn đề này, TP Hà Nội vận động các quận tặng nhà văn hóa cho những huyện nghèo. Từ chủ trương đó, huyện Ba Vì đã được tặng hơn 40 nhà văn hóa, góp phần giúp văn hóa truyền thống của các dân tộc Mường, Dao… trên địa bàn huyện được gìn giữ hiệu quả hơn. Một số địa phương khác như: Quốc Oai, Thanh Trì, Thạch Thất… cũng đã triển khai khá tốt việc vận động nhân dân đóng góp xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa, gồm cả hiến đất, tặng vật liệu xây dựng, đóng góp trang thiết bị… Mặc dù vậy, theo kết quả rà soát do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Xây dựng Hà Nội vừa tiến hành, đến thời điểm này, toàn thành phố vẫn còn 187 trong tổng số gần 2.400 thôn chưa có nhà văn hóa; nhà văn hóa của 40 thôn xuống cấp. Thành phố đang nỗ lực tháo gỡ. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết, thành phố tiếp tục khuyến khích các quận tặng nhà văn hóa cho những địa bàn thiếu vốn: Với những địa phương quá khó khăn, thành phố sẽ bố trí kinh phí để tất cả thôn, làng có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng vào cuối năm 2020, đầu năm 2021. Về cơ bản, phần “vỏ” của nhà văn hóa sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, hiện tại bên cạnh nhiều nhà văn hóa có những hoạt động khởi sắc, còn không ít nhà văn hóa cơ sở vẫn chủ yếu dành cho hội họp, mỗi tháng mở cửa một vài lần. Trưởng thôn Hà Lỗ Dương Văn Tam (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) chia sẻ: “Mấu chốt là cán bộ địa phương phải theo sát phong trào. Từ những nhân tố điển hình, mình khuyến khích, vận động thành lập các CLB, gắn trách nhiệm hoạt động với cán bộ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Hoạt động của các CLB chính là “linh hồn” của nhà văn hóa. Kinh phí cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất phải khơi gợi được đam mê thì nhân dân sẽ hưởng ứng, mọi người sẽ chủ động tham gia, đóng góp”.
Theo Bài và ảnh: Giang Nam/nhandan.com.vn - Ngày 21/11/2020