Thông tư 22 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh, định biên, tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tàu cá...
Theo quy định tại Thông tư 22 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản thì từ ngày 1/1/2019, tàu cá muốn vươn khơi phải đáp ứng đầy đủ các chức danh về thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tùy theo quy mô, chiều dài tàu cá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định này, ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Thông tư 22 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh, định biên, tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tàu cá... Thông tư này chia làm 4 nhóm tàu cá để định biên an toàn tối thiểu thuyền viên tàu cá. Trong đó, nhóm I áp dụng với tàu cá dài từ 24m trở lên yêu cầu tối thiểu 6 chức danh gồm: 1 thuyền trưởng, 1 thuyền phó, 1 máy trưởng, 1 thợ máy và 2 thủy thủ.
Những thợ máy trên tàu vỏ thép
Nhóm II áp dụng với tàu cá dài từ 15 đến dưới 24m phải có đủ 4 người: 01 thuyền trưởng có chứng chỉ tàu cá hạng II, 1 máy Trưởng có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng II, 1 thợ máy tàu cá và 1 thủy thủ.
Nhóm III áp dụng với tàu cá từ 12m đến dưới 15m phải có đủ 3 người là 1 thuyền trưởng, 1 máy trưởng và 1 thủy thủ. Nhóm IV với tàu cá từ 06m đến dưới 12 m phải có 1 thuyền trưởng và 1 thủy thủ.
Tuy nhiên, lâu nay, các chủ tàu cá ở Bình Định hành nghề tự phát nên các chức danh và chứng chỉ hành nghề chưa bổ sung đầy đủ. Một chủ tàu cá ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định than thở, nghề biển hiện tìm bạn rất khó, nay họ đi tàu này, mai đi tàu kia, khi thiếu chức danh nào thì mượn tạm tàu khác để đối phó.
Hiện nay, rất khó tìm bạn đi biển, lao động trên tàu cá cũng biến động theo từng chuyến biển. Nếu chủ tàu bỏ tiền ra đào tạo cho bạn đi học lấy chứng chỉ, học xong người đó bỏ sang tàu khác làm việc, ngư dân lại phải đi tìm người khác đi biển. Thực tế này khá phổ biến nên các chủ tàu cũng chỉ tìm cách đối phó với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một số ngư dân cho rằng, Thông tư 22 ban hành tháng 11/2018 và áp dụng từ ngày 1/1/2019 là quá nhanh nên ngư dân không kịp trở tay.
Chức danh thuyền trưởng thì đáp ứng được nhưng máy trưởng vẫn rất khó khăn.
Ông Văn Công Việt, chủ tàu cá BĐ 91189 ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho rằng, hầu hết các tàu cá thực hiện việc này đều mang tính đối phó. "Ở đây là mưu sinh là chính, thực tế đi học chẳng qua là để đối phó. Thuyền trưởng thì tôi lo được rồi còn máy trưởng có ai đi đâu. Có lúc phải nhờ người khác học để đối phó, nếu kiểm tra hết toàn bộ thì chắc không ai có", ông Việt bộc bạch.
Thông tư 22 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản là những quy định cần thiết, từng bước hiện đại hóa nghề cá theo hướng bền vững. Từ năm 2019 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã phối hợp các đơn vị chuyên môn đào tạo và cấp chứng chỉ hơn 530 thuyền trưởng tàu cá hạng II, 650 máy trưởng tàu cá hạng II, hơn 400 thuyền trưởng tàu cá hạng III, máy trưởng tàu cá hạng III và gần 2.700 thợ máy tàu cá.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: "Bình Định là tỉnh tàu thuyền khai thác, đặc biệt khai thác xa bờ rất nhiều, trên 3000 tàu, lực lượng tham gia khai thác rất lớn cho nên thiếu hụt về lực lượng thuyền viên khai thác, đặc biệt là các chức danh thuyền trưởng, máy trưởng. Đối với những tàu khai thác kém hiệu quả rất khó để tìm đáp ứng đủ, đây là 1 thực trạng vẫn có thể xảy ra trường hợp chức danh thuyền trưởng tàu này họ đi khai thác tàu khác và từ tàu khác qua tàu này"./.
Theo Thành Long/VOV-Miền Trung – Ngày 18/11/2020