Cập nhật: 30/11/2020 17:08:00
Xem cỡ chữ

Câu chuyện về bạo lực học đường chưa bao giờ hết nóng, mới đây lại làm nhức nhối dư luận khi chỉ trong vòng 1 tháng xảy ra hai vụ học sinh đánh nhau ở Thanh Hóa.

Trước tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa vừa có công văn hướng dẫn, chỉ đạo các trường học chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường, đảm bảo an toàn, an ninh trường học.

Về lâu dài, Bộ GD-ĐT sẽ có giải pháp gì với nạn bạo lực học đường? Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) về vấn đề này.

Nữ sinh Thanh Hoá dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu bạn, bắt quỳ xin lỗi. (Ảnh cắt từ clip)

PV: Chỉ trong vòng một tháng qua, ở Thanh Hóa xảy ra hai vụ bạo lực học đường, trong đó, nghiêm trọng là vụ nữ sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa) bị bạn học đánh hội đồng phải nhập viện. Bộ GD-ĐT có những hướng dẫn, chỉ đạo địa phương như thế nào để xử lý khắc phục?

Ông Bùi Văn Linh: Sau hai sự việc xảy ra tỉnh Thanh Hóa vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngay Sở GD-ĐT Thanh Hóa, Phòng Giáo dục và nhà trường khẩn trương triển khai các biện pháp để xử lý. Thứ nhất, vụ việc xảy ra ngoài trường học thì theo Nghị định 80 của Chính phủ năm 2017, trách nhiệm giải quyết là do chính quyền địa phương và công an, còn ngành giáo dục đào tạo, nhà trường có trách nhiệm phối hợp kịp thời để cung cấp thông tin, triển khai các biện pháp quản lý và trao đổi cùng gia đình các em học sinh. Đặc biệt là thăm hỏi kịp thời, làm công tác tư vấn cho học sinh nữ sinh bị bạn đánh, cũng như điều trị y tế đảm bảo học sinh sớm bình phục và quay lại học tập.

Như vậy, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của Hiệu trưởng nhà trường cũng cần phải được làm rõ trong việc quan sát, theo dõi, phát hiện kịp thời các mâu thuẫn và những khó khăn của học sinh để cùng gia đình tháo gỡ kịp thời. Đôi khi từ những mâu thuẫn ngầm, từ việc bé trở thành phức tạp và dẫn đến việc học sinh lôi kéo nhau ra ngoài trường đánh nhau.

PV: Quan điểm của Bộ GD-ĐT như thế nào trong việc xử lý những người liên quan, thưa ông?

Ông Bùi Văn Linh: Quan điểm của Bộ là phải xử lý nghiêm những học sinh vi phạm. Thứ hai, những học sinh không can ngăn mà còn cổ vũ, nhà trường cũng sẽ phải có những biện pháp nhắc nhở và kỷ luật phù hợp để đảm bảo xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh. Đặc biệt, đề đảm bảo sự tin tưởng tuyệt đối cho xã hội, cũng như cho các gia đình thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay rất quan trọng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã rất chú trọng công tác này và đã ký ban hành Chỉ thị 1707 về việc xử lý vi phạm về đạo đức nhà giáo. Theo Chỉ thị này, thì khi xảy ra các vụ bạo hành, bạo lực học đường hoặc hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, thì giáo viên đó sẽ bị đình chỉ và để cơ quan chức năng, cơ quan công an, chính quyền địa phương, Hội đồng kỷ luật của nhà trường tiến hành các bước xử lý theo quy định.

PV: Ông nghĩ như thế nào về việc trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng để biết cách tự bảo vệ mình?

Ông Bùi Văn Linh: Nhà trường, các thầy cô và cha mẹ của học sinh phải chú trọng hơn điều này. Chúng ta phải tăng cường dạy kỹ năng sống, tự bảo vệ và kỹ năng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp. Trong hoàn cảnh bạo lực, học sinh phải biết cách kêu gọi sự hỗ trợ từ người lớn. Thứ hai là tự mình thoát ra khỏi hoàn cảnh như vậy. Thứ ba là phải có khả năng nói chuyện với các bạn đó. Chúng ta luôn phải có những kênh để trợ giúp học sinh trong hoàn cảnh như vậy.

PV: Thưa ông, về lâu dài Bộ GD-ĐT có những giải pháp căn cơ nào để chấn chỉnh nạn bạo lực học đường?

Ông Bùi Văn Linh: Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng đã có Nghị quyết về tăng cường các giải pháp xây dựng trường học an toàn và chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có các văn bản gửi Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong toàn quốc nêu rõ trách nhiệm, vai trò quản lý tại địa phương đối với các hoạt động giáo dục.

Bộ cũng sẽ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường, thầy cô giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn thanh niên tại các cơ sở giáo dục phổ thông... để có trách nhiệm, có năng lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho tất cả học sinh.

Bên cạnh đó là tổ chức để học sinh biên soạn rồi tự diễn các vở kịch nói về chủ đề phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống bắt nạt trẻ em trên môi trường mạng và các chuyên đề về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ của mình...

Bộ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan và các chuyên gia biên soạn những tài liệu về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực; phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội... để giúp cho các nhà trường có những tài liệu chuẩn chất lượng đưa vào trong các nội dung giáo dục.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo Lê Thu/VOV1- Ngày 30/11/2020