Từ bao đời nay, hệ thống nhà vườn cổ là tài sản quý giá, góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của di sản kiến trúc, văn hóa Huế, trở thành điểm đến thu hút du khách mỗi lần đến Huế.
Nhà vườn Huế. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)
Dù trải qua bao thăng trầm nhưng Huế vẫn giữ được một phong cách đặc trưng riêng của mình mà không phải địa phương nào cũng có được. Phong cách ấy không chỉ thể hiện ở giọng nói, lối ứng xử và văn hóa ẩm thực rất Huế mà còn được cảm nhận qua những công trình kiến trúc ở thành phố này. Ngoài hệ thống đền đài, lăng tẩm, đình chùa, miếu mạo..., di sản văn hóa Huế còn có một hệ thống nhà vườn mang những nét đặc trưng riêng.
Di sản kiến trúc đặc trưng
Được xây theo luật “dịch lý” và “phong thủy,” nhà vườn Huế là tập hợp của một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc-Nam. Tuy rộng hẹp khác nhau, nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau, bao gồm: cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà.
Khi xây dựng cố đô Huế vào đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc cổ đã dùng núi Ngự Bình làm tấm bình phong để che chắn những gì sâu xa không xâm nhập vào ngôi nhà của mình là Kinh Thành và Đại Nội.
Sông Hương trở thành một cái hồ phẳng lặng để soi bóng các công trình kiến trúc nghệ thuật ở đôi bờ. Thuật phong thủy gọi phần thủy điện đó là "minh đường," một bộ phận phải có ở trước mặt các công trình kiến trúc.
Trên sông lại nổi lên hai hòn đảo nhỏ, là Cồn Hến và Cồn Dã Viên, được dùng làm "Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ," chầu về ở giữa đảo để bảo vệ Cố đô. Khu vườn cố đô rộng lớn ấy được quy hoạch và xây dựng với những đường nét đối xứng rõ rệt. Và đặt biệt là người xưa rất quan tâm đến sự thưa thoáng của không gian kiến trúc.
Người Huế đã thu gọn không gian kiến trúc ấy vào trong các khu vườn của mình với một bố cục tương tự. Mãi cho đến ngày nay, người Huế vẫn bảo lưu được một số nhà vườn truyền thống như thế. Ai đã từng đi dạo trong vườn nhà bà Lan Hữu ở Kim Long hay vườn nhà cụ Đô ở vùng Gia Hội, hoặc một số nhà vườn khác ở Vĩ Dạ, Phường Đúc, An Cựu, Bao Vinh, Chợ Cống... chắc đều cảm thấy lòng mình trở nên thanh bình yên ổn. Màu sắc đậm của cỏ cây, hương thơm nhẹ tỏa ra từ hoa trái, tiếng chim hót líu lo trong không gian tĩnh mịch làm cho lòng người thư thái, nhẹ nhàng và thấy mình được sống thật gần gũi với thiên nhiên đầm ấm.
Mỗi khu vườn như vậy là một thế giới biệt lập, rộng một vài mẫu hoặc năm ba sào, bao bọc bằng lũy tre xanh hay hàng rào chè tàu được cắt xén ngay ngắn tươm tất.
Trong phạm vi ấy ngoài ngôi nhà vườn kiến trúc bằng gỗ quý chạm khắc tinh tế dùng để thờ tổ tiên, vài ngôi nhà phụ dùng cho con cháu ăn ở, không gian còn lại là sân vườn với ao hồ bể cạn, non bộ, bình phong, giếng nước và đôi khi còn có cả ngôi mộ của người đã có công tạo lập ra cơ ngơi ấy.
Người ta đi vào vườn bằng một cổng nhỏ xây bằng vôi gạch, hoa cỏ trồng dọc lối đi. Nhưng lối đi ấy không bao giờ được trở thẳng vào gian giữa của ngôi nhà chính, vì đây là gian nhà thiêng liêng dành để thờ phụng tổ tiên. Lối đi ấy được chặn lại bằng một tấm bình phong cao quá đầu người và phải rẽ qua hướng khác để vào sân nhà.
Tấm bình phong có thể xây bằng vôi, gạch, tô nối hình chữ "thọ" chữ "phúc" hay một trong những hình ảnh của "tứ linh" nhưng cũng có thể là một hàng cây dâm bụt, hoặc một dãy chè tàu đơn giản.
Sau tấm bình phong là hòn non bộ, nhưng đôi khi chính hòn non bộ ấy còn giữ chức năng của tấm bình phong. Non bộ là những cảnh sơn thủy hữu tình được chủ nhân yêu thích và thường do chính bàn tay mình thu nhỏ lại. Ở đó có núi đồi, hang động, hoạt của con người. Mấy tiên ông đang ngồi đánh ván cờ thiên cổ dưới một gốc cây đại thọ trên sườn núi. Lã Vọng câu cá ở bờ sông. Vài bác tiều phu làm củi bên bờ suối. Và cũng có thể có đủ bốn hình ảnh: ngư, tiều, canh, mục.
Với chiếc bể cạn xây gần hòn giả sơn, chủ nhân thường trồng lên đó một số hoa cỏ sống được cả 4 mùa: mai, lan, cúc, trúc, hoặc mai, liên, cúc, tùng tượng trưng cho tứ thời: xuân, hạ, thu, đông.
Như vậy, cả không gian lẫn thời gian đều được thu gọn lại trên một mặt bằng mỗi bề năm ba mét. Ở vườn phủ cụ Đô chẳng hạn, trên hòn non bộ còn thể hiện lòng yêu đất nước quê hương. Trước mặt dãy Trường Sơn trùng điệp là hình ảnh chùa Một Cột (miền Bắc), chùa Thiên Mụ (miền Trung), và Tháp Mười (miền Nam).
Hình ảnh Tổ quốc Việt Nam đã được thu nhỏ lại một cách gọn gàng, xinh xắn, để hàng ngày chủ nhân nhìn ngắm, nâng niu. Và ở đó, người ta thấy rõ được hình ảnh "cỏ cây chen đá, lá chen hoa" của Bà huyện Thanh Quan thuở trước.
Nếu khu vườn rộng của cố đô có Cồn Hến và Cồn Dã Viên thì trong sân vườn này cũng có hai tảng đá hình thù đặc biệt dựng ở hai bên sân trước nhà để tượng trưng cho thế "rồng chầu, hổ phục." Nếu kinh thành Huế có con sông Hương trước mặt thì vườn nhà ở đây lại có ao trồng sen thả cá với những chiếc ghế đá, ghế gỗ đặt dưới gốc cây dừa, gốc mít trồng dọc bên bờ. Mặt ao là một tấm gương trong suốt phản chiếu hình ảnh các công trình kiến trúc và cảnh vật trong khu vườn ấy. Tất cả là một màu xanh tươi tắn dịu dàng.
Trong khu nhà vườn ấy, không thể không nói tới ngôi nhà rường cổ. Nhà rường thường được làm bằng gỗ, chúng được cầu hỳ hóa bằng nhiều nét văn hoa chạm trổ, trong liên kết của kết cấu nhà, thay cho đóng đinh là kỹ thuật mộng tinh xảo.
Nhà rường có nhiều dạng: một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái, nhà rường lầu & hellip rường là cách nói ngắn gọn của rường cột, nhà có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định.
Dù lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo dỡ dễ dàng. Trong nhà bày sập gụ, tủ chè, treo hoành phi, câu đối, đồ đạc được bài trí hài hòa hợp lý, tạo cho nhà rường cái thần thái riêng biệt.
Nhìn cảnh quan một nhà vườn Huế, người ta dễ dàng nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân. Nhà vườn Huế thể hiện sự hòa hợp giữa đời sống con người và cây cỏ, giữa nếp sống tinh thần và vật chất, tất cả đều bổ sung cho nhau, để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống.
Nỗ lực bảo tồn nhà vườn Huế
Hiện tại, thành phố Huế có khoảng hơn 1.000 ngôi nhà vườn lớn nhỏ, diện tích nhỏ nhất khoảng vài trăm mét vuông và có những khu vườn lên đến hàng nghìn mét vuông tập trung tại các phường Gia Hội, Vĩ Dạ, Kim Long...
Nhà vườn Huế (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Những khu vườn như Ngọc Sơn Công Chúa, Lạc Tịnh Viên, Tỳ Bà Trang, Tịnh Gia Viên, Ý Thảo... là nét văn hóa đặc sắc góp phần tôn vinh vẻ đẹp cho Huế.
Hiện nay, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế cùng các doanh nghiệp lữ hành đang tích cực biến các ngôi nhà vườn thành một chuỗi tham quan thú vị dành cho du khách.
Đến đây, du khách không chỉ được tham quan vườn hoa cây cảnh mà còn được chủ nhân của những ngôi nhà vườn kể cho nghe về lịch sử hình thành ngôi nhà, hiểu được nét gia phong và con người Huế và thưởng thức tài nội trợ của chủ nhân của những ngôi vườn xinh đẹp qua những món ăn đặc sản Huế.
Tuy nhiên, hiện nhiều nhà vườn cổ ở Thừa Thiên-Huế cũng đứng trước nguy cơ bị "chảy máu" do nhu cầu cuộc sống, một số chủ vườn đã âm thầm phân lô đất vườn, thậm chí tháo dỡ nhà cổ để bán dưới hình thức trao tay, xây lại nhà hiện đại.
Để bảo tồn kiến trúc nhà vườn Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng và ban hành "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng."
Theo đó, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế chi từ 5-8 tỷ đồng/năm để hỗ trợ trùng tu mỗi năm từ 3-5 nhà vườn Huế đặc trưng, tùy theo số lượng nhà vườn được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Các nhà vườn được chọn trong danh mục, tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng… được hỗ trợ hơn 700 triệu đồng/nhà (loại 1), không quá 500 triệu đồng/nhà (loại 2) và không quá 400 triệu đồng/nhà (loại 3) để trùng tu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nhà vườn từ "Quỹ bảo trợ nhà vườn Huế."
Các nhà vườn trong diện bảo tồn đảm bảo các yếu tố như diện tích vườn phải lớn hơn 600m2, có kiến trúc, mỹ thuật của nhà đặc trưng Huế (như nhà rường một gian hai chái, ba gian hai chái, các cấu kiện gỗ chạm trổ công phu)./.
Theo (Vietnam+) – Ngày 30/11/2020
https://www.vietnamplus.vn/nha-vuon-ve-dep-dac-trung-cua-di-san-kien-truc-van-hoa-hue/678982.vnp