Cập nhật: 03/12/2020 09:34:00
Xem cỡ chữ

Khoảng 60-80% nguyên nhân gây khàn tiếng hoặc mất tiếng vào mùa lạnh thường do virus, 20- 30% còn lại là do vi khuẩn gây ra. Khoảng 10% còn lại do dị ứng, do lạnh, hoặc do nấm mốc.

Khàn tiếng là một biểu hiện nhiều người mắc phải trong mùa lạnh.

Tiếng nói là một phương tiện giao tiếp, chính vì thế khi bị khàn tiếng hay mất tiếng, không có ai là không lo lắng; đặc biệt là những người sử dụng giọng nói để lao động như giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên, người thuyết trình, người bán hàng…

Khàn tiếng trong mùa lạnh thường xuất hiện đột ngột ngay sau khi người ta thấy ớn lạnh, rùng mình, khô họng, đau họng và… mất tiếng. Hoặc khàn tiếng có thể xuất hiện sau một số dấu hiệu báo trước 2-3 ngày như ngạt mũi, ho, chảy mũi xuống họng rồi tiếng đặc dần và mất hẳn.

Cũng có khi sau lúc uống bia lạnh, rượu lạnh… bạn thấy khô, đau họng, thậm chí khó thở và mất tiếng.

Những người khàn tiếng, mất tiếng đến gặp bác sĩ luôn luôn với tâm lí lo lắng, không hợp tác được khi khám, đặc biệt là thể hiện động tác phát âm để thăm khám thanh quản.

Khi bác sĩ thăm khám lâm sàng sẽ thường thấy có các biểu hiện sau:

-  Mũi: niêm mạc nề, sung huyết, có thể có dịch ở khe mũi – vòm mũi họng

- Họng: niêm mạc họng đỏ, thanh sau họng có dịch chảy từ mũi xuống

- Hạ họng – thanh quản: niêm mạc nề đỏ, sụn nắp và sụn phễu đôi lúc nề mọng. Dây thanh sung huyết, nề, đọng dịch bề mặt, khép không kín khi phát âm tạo ra khe hở hình thoi.

Nguyên nhân gây khàn tiếng, mất tiếng là gì?

Khoảng 60-80% nguyên nhân gây khàn tiếng hoặc mất tiếng vào mùa lạnh thường do vi rút, 20- 30% còn lại là do vi khuẩn gây ra. Khoảng 10% còn lại do dị ứng, do lạnh, hoặc do nấm mốc. Trường hợp sau uống rượu hoặc bia lạnh mà xuất hiện khó thở và khàn tiếng, mất tiếng thường do dị ứng đồ uống gây phù Quink vùng hạ họng – thanh quản.

Điều trị

Nếu nguyên nhân gây khan tiếng, mất tiếng là do vi rút, dị ứng và lạnh, bác sĩ sẽ cho thuốc phù hợp để điều trị. Việc quyết định liệu trình điều trị và các thuốc điều trị phải do bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng đảm nhận và theo dõi sát. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc để điều trị. Đặc biệt với những trường hợp khó thở, thanh quản không đáp ứng với thuốc, phải cân nhắc vào viện mở khí quản cấp cứu và điều trị nội khoa tại Bệnh viện chuyên khoa./.

PGS.TS BS Phạm Thị Bích Đào - BV ĐH Y Hà Nội

Theo VOV.VN - Ngày 2/12/2020