Có tới 70% người bệnh mắc ung thư gan đến bệnh viện trong tình trạng muộn, sức khỏe đã rất yếu.
TS.BS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết ung thư gan thứ phát hay còn gọi là ung thư di căn vào gan là tình trạng các tế bào ung thư từ một cơ quan ngoài gan lây lan sang gan và tạo thành khối u ở đó.
Cần phân biệt được rõ hai khái niệm là ung thư gan thứ phát và ung thư gan nguyên phát. Khối u nguyên phát là loại ung thư mà tế bào ung thư xuất phát trực tiếp từ các bộ phận của cơ thể. Khối u thứ phát là loại ung thư đã lây lan từ nơi mà nó bắt đầu đến một nơi khác trong cơ thể. Tên gọi ung thư gan thứ phát nhằm phân biệt với ung thư gan nguyên phát, là trường hợp ung thư bắt đầu tại gan. Tỷ lệ ung thư gan thứ phát cao hơn rất nhiều so với ung thư gan nguyên phát.
Các loại ung thư thường di căn vào gan
Gan là nơi tập trung mạng lưới mạch máu dày đặc cùng với các chất dịch khác của cơ thể. Chính vì vậy, các tế bào ung thư từ nơi khác rất dễ di căn đến gan và tạo thành khối u thứ phát. Bất kỳ loại ung thư nào cũng có thể di căn sang gan, trong đó phổ biến nhất gồm: ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư phổi, ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư túi mật, ung thư tuyến tụy…
Người bệnh mắc ung thư gan thứ phát sẽ phải đối diện với cả triệu chứng do khối u nguyên phát và khối u thứ phát gây ra. Khi khối ung thư di căn sang gan tạo khối u thứ phát sẽ gây ra tình trạng suy giảm chức năng gan và tổn thương gan với các biểu hiện như: đau ở phía bụng bên phải, rối loạn tiêu hóa, chán ăn và sút cân nhanh, chướng bụng, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu.
Điều trị
Tình trạng ung thư gan thứ phát thường là vào giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), có tới 70% người mắc bệnh ung thư gan đến viện thì đã ở giai đoạn muộn. Lúc này sức khỏe người bệnh thường đã rất yếu, tỷ lệ tử vong cao và gần như không có biện pháp điều trị khỏi. Các biện pháp điều trị trong giai đoạn này chỉ nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng, ngăn cản sự phát triển của các khối u giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và kéo dài sự sống.
Tùy vào sức khỏe của người bệnh, tình trạng của các cơ quan có khối u và sự tiến triển của ung thư mà các bác sĩ có thể đưa ra những chỉ định điều trị như:
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u.
- Hóa trị, xạ trị, đốt sóng cao tần.
- Điều trị tại đích.
- Liệu pháp miễn dịch.
- Liệu pháp sinh học.
- Cùng các biện pháp giảm nhẹ triệu chứng đau đớn, mệt mỏi, suy nhược,…
Theo Hà An/dantri.com.vn – Ngày 10/12/2020