Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc lao cao nhất toàn cầu; đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Chăm sóc bệnh nhân lao phổi. (Nguồn: TTXVN)
"Chống lao phải như phòng, chống COVID-19" là khẳng định của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia khi nói đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến công tác phòng, chống lao trên thế giới nói chung, cũng như tại Việt Nam.
Theo Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, kể từ khi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố là "đại dịch toàn cầu" vào cuối tháng 1/2020, COVID-19 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới đã giảm 25%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng đã giảm 11%.
Thế giới nhận định thành quả chống lao đang bị giảm đi năm năm, lùi về mốc năm 2015 khi các chỉ số đều đang giảm.
WHO đã công bố kết quả của mô hình đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch COVID-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất.
Nguyên nhân được cho là vì việc giãn cách xã hội, nhiều người mắc bệnh lao không tiếp cận được dịch vụ hỗ trợ, dẫn tới tử vong.
Nếu tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm 190.000 ca tử vong do lao được dự báo (tăng 13%), nâng tổng số ca tử vong do lao lên khoảng 1,66 triệu ca vào năm 2020.
Con số này tương ứng với mức tử vong toàn cầu do lao vào năm 2015 - một bước lùi nghiêm trọng trong quá trình hướng tới mục tiêu của Hội nghị Cấp cao Liên hợp quốc về lao và Chiến lược thanh toán bệnh lao của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, số liệu phát hiện của Chương trình Chống lao Quốc gia có xu hướng giảm mạnh (11%) so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (85,1%), đạt chỉ tiêu của WHO, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu Chương trình Chống lao Quốc gia đã đề ra (hơn 90%).
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 174.000 người mắc lao mới và 11.000 người tử vong do bệnh lao ở Việt Nam năm 2018.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết bệnh lao lây lan rất nhanh trong cộng đồng, hơn tất cả các bệnh khác vì đây là bệnh lây qua đường hô hấp. Một người bị lao sẽ lây bệnh cho 10-15 người khác.
Ngoài ra, ở Việt Nam, tình trạng bệnh lao đa kháng thuốc và bệnh lao ở người nhiễm HIV diễn biến phức tạp, ở mức cao. Số bệnh nhân chưa được phát hiện còn lớn, là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, sự kỳ thị, định kiến vì bệnh lao của người dân đã khiến những người mắc lao giấu bệnh, tự chạy chữa khiến bệnh càng nặng và nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia Nguyễn Viết Nhung chia sẻ: "So với COVID-19, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao nguy hiểm hơn nhiều vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Và con số tử vong vì lao còn cao hơn nhiều số tử vong do tai nạn giao thông. Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, bệnh lao được coi là 'kẻ giết người' thầm lặng."
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia. (Nguồn: Vietnam+)
Theo Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu công tác phòng chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả công đồng, mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.
Nắm bắt cơ hội cho công tác phòng chống lao, ngay từ những tháng đầu năm, khi dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, Chương trình Chương trình Chống lao Quốc gia đã xây dựng chương trình truyền thông với chủ đề: "Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030," Chương trình kêu gọi mọi người từ cuộc chiến chống COVID-19 hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao.
Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phúc tạp trên thế giới, nguy cơ COVID-19 tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam vẫn luôn rình rập, ý thức của mỗi người dân là quan trọng nhất.
"Mọi người hãy tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế như thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung đông người-Khai báo y tế); đặc biệt chú trọng việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và thường xuyên khử khuẩn tay…
Bên cạnh đó, khi người dân nhận diện và phòng, chống bệnh lao như dịch COVID-19, chúng ta sẽ không chỉ chiến thắng COVID-19 và còn đánh bại cả bệnh lao," Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề nghị./.
Theo Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 12/12/2020
https://www.vietnamplus.vn/pgsts-nguyen-viet-nhung-chong-lao-phai-nhu-phong-chong-covid19/681823.vnp