Hiện đại hóa quân đội là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, không bị động, bất ngờ.
76 năm kể từ khi thành lập (22/12/1944 - 22/12/2020), dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, nghệ thuật quân sự của dân tộc, được sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của Nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, cùng toàn dân giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Hiện đại hóa quân đội là đòi hỏi tất yếu
Trong bối cảnh mới, dự báo tình hình thế giới, khu vực còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp tới quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta. Do đó, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt là vấn đề “hiện đại hóa quân đội” được đặt ra là nhu cầu cấp thiết, là yếu tố quan trọng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Ngày 28/9/2020, phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030, xây dựng Quân đội hiện đại.
Từ đó cho thấy, hiện đại hóa Quân đội là đòi hỏi tất yếu nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, nhằm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, không bị động, bất ngờ.
Hiện đại hóa quân đội: Xây dựng quân đội về chính trị làm gốc
Hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chủ trương: Không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, hiện đại hóa quân đội cần phải bắt đầu từ sự tinh nhuệ về chính trị, bởi trong mối quan hệ giữa con người với vũ khí, thì con người bao giờ cũng là yếu tố quyết định việc sử dụng hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Vì thế, cùng với việc đầu tư phát triển khoa học quân sự, hiện đại hóa trang bị, vũ khí; việc xây dựng Quân đội nhân dân tinh nhuệ, hiện đại đòi hỏi phải đặt lên hàng đầu nội dung xây dựng sự vững mạnh về chính trị, đảm bảo trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nắm vững và chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Để đạt được điều đó, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm giữ vững nguyên tắc “Đảng lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt”; tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao hiệu quả các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; chủ động ngăn ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Trong thời bình, đi đôi với xây dựng quân đội về chính trị, huấn luyện quân sự là công việc tất yếu để tăng cường sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như quá trình hiện đại hóa quân đội. Theo đó, cần phải tăng cường huấn luyện, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao hiểu biết, tinh thông về chiến thuật, chiến dịch, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, có khả năng hiệp đồng chiến đấu cao; đồng thời phải thực hiện tốt phương châm huấn luyện: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Trong huấn luyện phải coi trọng huấn luyện thực hành, diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; chống khủng bố..., bảo đảm cho các đơn vị xử lý tốt các tình huống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lựa chọn một số lực lượng, lĩnh vực “đi tắt, đón đầu”
Xây dựng Quân đội nhân dân, xét về tổng thể là từng bước hiện đại, nhưng điều đó không có nghĩa là thực hiện “bước một, dàn đều”, mà cần lựa chọn một số lực lượng, ngành, lĩnh vực, bộ phận quan trọng để đầu tư theo hướng “đi trước, đón đầu”, tiến thẳng vào hiện đại. Tất nhiên, việc xác định quy mô, tính chất và mức độ hiện đại đến đâu phải cân nhắc kỹ, dựa trên cơ sở khoa học, dự báo chính xác, khả năng thực tế của Quân đội, đất nước cũng như diễn biến cụ thể của tình hình và nhất là phải căn cứ vào Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Với tư duy đó, hiện nay và trong những năm tới, chúng ta cần tập trung đầu tư cho lực lượng hải quân, phòng không - không quân, cảnh sát biển, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật theo hướng hiện đại để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội lên một bước mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Cần phải nói thêm rằng, mục tiêu tăng cường sức mạnh quốc phòng, từng bước hiện đại hóa quân đội là nhằm chủ động, tích cực ngăn ngừa, không để đất nước xảy ra chiến tranh; nhưng đồng thời, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch. Trong đó, Quân đội nhân dân phải thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân tiến hành chiến tranh nhân dân, với tư tưởng chỉ đạo là lấy tác chiến trên bộ là nhân tố quyết định giành thắng lợi; đồng thời coi trọng việc giành quyền chủ động tác chiến trên biển, trên không gian mạng, để bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Vừa phát huy nội lực, vừa đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Cùng với đó, để hiện đại hóa quân đội, trong thời kỳ mới cần phải khai thác tốt mọi nguồn lực, lấy phát huy nội lực là chính kết hợp với tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Về nguồn lực trong nước, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động từ nhiều nguồn; đồng thời, phải có kế hoạch tổng thể và thực hiện tốt việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, triệt để tận dụng thành tựu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phục vụ nhu cầu quốc phòng, từng bước hiện đại hóa quân đội.
Đặc biệt, phải coi trọng phát triển công nghiệp quốc phòng, vì công nghiệp quốc phòng Việt Nam là bộ phận cấu thành của nền công nghiệp quốc dân, được phát triển theo hướng tự lực là chính, đồng thời hợp tác với công nghiệp quốc phòng các nước bè bạn để tiếp thu công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao trình độ khoa học - công nghệ.
Trong quá trình đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, cần đẩy mạnh việc tiếp thu, ứng dụng những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào sửa chữa, nâng cấp, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí, trang bị của Quân đội.
Cuối cùng, để hiện đại hóa quân đội hơn lúc nào hết cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế và thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc từ sớm, từ xa. Tăng cường hợp tác song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương; ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, khu vực ASEAN; cân bằng quan hệ với các nước lớn; mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước có tiềm năng, gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước.
Hiện đại hóa quân đội là nhu cầu tất yếu nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hiện đại hóa quân đội cần phải được tiến hành bài bản, đồng bộ, trong đó lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm gốc, cùng với đó là làm tốt công tác huấn luyện, xây dựng chính quy, phát triển công nghiệp quốc phòng, phát huy nội lực và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài… Bên cạnh đó, toàn quân cần tập trung thực hiện hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ được thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và các quy định của Luật Quốc phòng…
Chỉ có như vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy tốt bản chất, chức năng, nhiệm vụ và truyền thống anh hùng, xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu
Phó Viện trưởng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Theo VOV.VN - Ngày 22/12/2020