Cập nhật: 02/01/2021 11:21:00
Xem cỡ chữ

Việc tổ chức thi hành trên 53.000 tỷ đồng, trong đó có trên 14.000 tỷ từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi vào Top 10 sự kiện nổi bật ngành tư pháp 2020.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký quyết định phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2020 của ngành tư pháp.

Trong đó, Bộ Tư pháp cho biết vượt qua khó khăn, kết quả công tác thi hành án dân sự về giá trị, đặc biệt là giá trị thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế năm 2020 đạt cao nhất từ trước đến nay.

Hệ thống thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020. Cụ thể, toàn ngành đã tổ chức thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, cao nhất từ trước đến nay.

"Kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân"- Bộ Tư pháp nhận định.

Thu hồi tài sản tham nhũng đạt 53.000 tỷ, thành điểm sáng tư pháp năm 2020 - 1

Thông tin với Dân trí, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết cổ phiếu của Hà Văn Thắm ở Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương đã được cơ quan thi hành án dân sự Hà Nội xử lý xong hoàn toàn, thu được tổng số tiền gần 320 tỷ đồng để thi hành án. (Ảnh: X.D).

Ngoài ra, 9 sự kiện khác được Bộ Tư pháp chọn làm sự kiện nổi bật năm 2020 gồm:

1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Chính phủ tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, làm cơ sở ban hành các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác pháp luật và tư pháp.

Tham mưu giúp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Văn kiện, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương xác định tầm nhìn chiến lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp giai đoạn 2021 - 2030 được thể hiện trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo các chuyên đề; tham mưu chính sách ứng phó kịp thời với tác động của đại dịch Covid-19.

Các bộ, cơ quan ngang bộ và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng) đã tập trung rà soát gần 8.800 văn bản. Kết quả rà soát đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10 và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, Bộ, ngành tư pháp đã chủ động nghiên cứu, góp ý, thẩm định kịp thời về cơ sở pháp lý để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp những chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép": vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Thể chế pháp luật của đất nước và trong một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp đều có bước hoàn thiện quan trọng.

Bộ, ngành tư pháp đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các quy định của Hiến pháp nhằm bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

4. Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

Ngay sau hội nghị, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

5. Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng tại Việt Nam".

Hội thảo đã góp phần lan tỏa rộng rãi những chỉ dẫn vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ cán bộ hiện nay về tư tưởng lấy dân làm gốc; về yêu cầu xây dựng một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt, một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trên nền tảng "thần linh pháp quyền"; về yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa, vì nhân dân lao động và vì con người, được tổ chức thực hiện nghiêm minh, để "giữ gìn quyền lợi của nhân dân" và duy trì trật tự xã hội.

6. Chủ động, sáng tạo trong hợp tác quốc tế về pháp luật, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp.

Công tác hợp tác quốc tế về pháp luật được triển khai một cách sáng tạo, chủ động, thích ứng với tình hình thế giới và trong nước, đạt nhiều kết quả tích cực, phục vụ hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp nói chung và nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng.

7. Tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2) nhân dịp Kỷ niệm 75 năm.

8. Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng chuyển đổi số.

Các cuộc thi trực tuyến về kiến thức pháp luật với quy mô toàn quốc như: Pháp luật học đường, Pháp luật với mọi người,… đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia, tạo những sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, hiệu quả. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng thể hiện quyết tâm của Bộ, ngành Tư pháp trong việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân.

9. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 - Đại hội điểm Đảng bộ cấp trên cơ sở của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; nhiều Giám đốc Sở Tư pháp được tín nhiệm bầu tham gia tỉnh, thành ủy.

Trong đó tại các địa phương, có 22 Giám đốc Sở Tư pháp được bầu tham gia tỉnh, thành ủy; qua đó, nâng cao vị thế, uy tín của Bộ, ngành tư pháp.

Theo Thế Kha/dantri.com.vn -  Ngày 2/1/2021