Cập nhật: 05/01/2021 10:52:00
Xem cỡ chữ

Bên cạnh những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc còn luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác an sinh xã hội thông qua các hoạt động thiết thực như: Vì người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động. Những nỗ lực đó đã góp phần thực hiện mục tiêu mang đến cho Nhân dân một cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất và tinh thần, vì một Vĩnh Phúc phát triển toàn diện.

Bức tranh tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ qua cho thấy, kinh tế Vĩnh Phúc gần đây có sự tăng trưởng liên tục, ổn định, đảm bảo cho người dân có điều kiện cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù kinh tế tăng trưởng cao nhưng người dân chưa được thụ hưởng nhiều từ thành quả phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải tạo ra sự bứt phá về phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân thông qua việc thay đổi căn bản về chính sách điều hành phát triển KT - XH; các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh phải hướng tới sự ổn định và phát triển xã hội, phát huy được nguồn lực nội tại, khả năng sáng tạo của Nhân dân để mang lại hạnh phúc cho Nhân dân.

Bên cạnh thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng tiêu chí chuẩn nghèo và một số chính sách riêng phù hợp với điều kiện, đặc thù của Vĩnh Phúc. Cụ thể như cho vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về BHYT, miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác, dạy nghề, giải quyết việc làm, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng, tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo.

Cùng với cả nước, từ năm 2008, tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu triển khai BHXH tự nguyện với mức đóng thấp nhất là 154.000 đồng/tháng, cao nhất là trên 650.000 đồng/tháng tùy lựa chọn của người tham gia sao cho phù hợp với khả năng tài chính. Để chính sách đi vào cuộc sống, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn về lĩnh vực BHXH tự nguyện. Đến nay, toàn tỉnh có trên 7.200 người tham gia BHXH tự nguyện, Điều đó cho thấy, người dân đã tiếp cận, nhận thức đầy đủ hơn cũng như hiểu được tính nhân văn của chính sách này.

Năm 2020 là một năm đầy biến động và thách thức đối với tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc vẫn thực hiện tốt những chính sách an sinh xã hội. 115 tỷ đồng là con số mà tỉnh Vĩnh Phúc đã dành để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người có công và người hưởng chính sách bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo kết quả rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 4.975 hộ nghèo, 8.458 hộ cận nghèo, gần 11.000 người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng, hơn 42.000 người thuộc nhóm bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi trả.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 12 về “Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận việc làm và được thụ hưởng các thành quả phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần; Bảo đảm cung cấp phúc lợi và các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội học tập, tiếp cận y tế, vui chơi, giải trí cho mọi người dân; Thúc đẩy sự phát triển xã hội, gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là cần thiết và cấp bách, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của tỉnh. Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu con người, vì sự phát triển bền vững hướng tới một Vĩnh Phúc phát triển toàn diện là mục tiêu, là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm thực hiện./.

Thu Thủy