Liên tiếp trong thời gian gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận các trường hợp chấn thương nặng do pháo tự chế phát nổ.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân bị chấn thương do nổ pháo tự chế. Ảnh: VGP/Kim Oanh
Mới đây nhất, trường hợp một bệnh nhân nam, 41 tuổi, ở Hải Phòng, khi đang chế tạo pháo thì bất ngờ thuốc pháo phát nổ khiến bệnh nhân bị chấn thương. Ngày 7/1, bệnh nhân được chuyển vào viện trong tình trạng tỉnh, hàm mặt xây xát, mắt 2 bên đau, nhìn mờ, tay phải dập nát ngón 3, 4, 5, đầu chi xẹp tím lạnh, vết thương phần mềm nham nhở, xây xát bộ phận sinh dục và đùi 2 bên. Phim chụp Xquang cho thấy, bệnh nhân bị gãy xương các đốt ngón 4, 5 tay phải.
Bệnh nhân được mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 3, 4, 5, xử lý vết thương phần mềm gan tay, khâu vết thương bộ phận sinh dục.
Hiện tại, bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Một bệnh nhân khác, 15 tuổi, ở Hà Nội, cùng bạn tự chế tạo pháo. Trong khi bạn của bệnh nhân cạo bột từ hộp que diêm thì bệnh nhân lấy bột đã cạo để đốt. Khi phát nổ, bệnh nhân bị chấn thương và được chuyển đến bệnh viện.
Theo BS. Đoàn Lê Vinh, khoa Phẫu thuật chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo, hàm mặt sưng nề, giảm thị lực mắt phải, chấn thương đụng dập nhãn cầu và tổ chức hốc mắt phải, tay trái dập nát ngón 1 đến xương bàn, dập nát ngón 2, 3 đến đốt 1, dập nát ngón 4 đến đốt 2, lóc da phức tạp gan tay và mu tay. Phim chụp X-quang cho thấy, bệnh nhân gãy phức tạp nhiều xương bàn tay trái.
Bệnh nhân đã được mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 1 đến 4, xử lý da lóc bàn tay và chuyển sang Bệnh viện Mắt Trung ương để xử lý chất thương mắt.
Trước đó, ngày 5/1, Bệnh viện cũng đã tiếp nhận bệnh nhân D.T.H (nam, 15 tuổi, ở Hải Dương) đa chấn thương do chế tạo pháo. H cùng bạn mua bột về chế tạo pháo, trong lúc chế tạo thì đột nhiên phát nổ. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đa chấn thương, vết thương bàn tay phải dập nát đốt 1 ngón 3, đốt 3 ngón 1, 2, vết thương bàn tay trái dập nát ngón 5. Ngoài ra, bệnh nhi còn có vết thương gan bàn tay, đứt gân ngón tay, khuyết hổng phần mềm ô mô cái (thuộc gan bàn tay) và vết thương ở mu chân phải, nham nhở nhiều dị vật.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, tình trạng chế tạo pháo xảy ra nhiều, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Do đó, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo các bậc phụ huynh, nhà trường nên phối hợp tuyên truyền, giáo dục, có các biện pháp để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra cho các em.
Theo Hiền Minh/chinhphu.vn – Ngày 8/1/2021