Cập nhật: 09/01/2021 07:50:00
Xem cỡ chữ

Khi đời sống và các phong tục tập quán dần thay đổi, các nghệ nhân người Êđê ở Đắk Lắk đã sáng tạo nên những âm điệu mới mẻ cho những bài diễn tấu chiêng quen thuộc. Sáng tạo của họ tuy mang tính ngẫu hứng nhưng đã làm các tiết tấu chiêng trở nên hấp dẫn hơn, mang hơi thở cuộc sống đương đại nhiều hơn.

Bài chiêng Pliêr, tiếng Êđê có nghĩa là mưa đá, có tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, mô phỏng âm thanh và nhịp điệu rơi của những cơn mưa đá. Bài chiêng này thường được người Êđê dùng khi tiến hành nghi thức mời rượu. Điều đặc biệt của bài diễn tấu này chính là ở sự biến tấu ngẫu hứng của nghệ nhân khi kết hợp đưa tiếng hô vào bài chiêng, càng tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân nhận xét, không chỉ riêng bài Mưa đá, các đội nghệ nhân đánh chiêng tại các buôn làng đang góp phần làm mới một số bài chiêng bằng những cách biến tấu phù hợp. Những sự biến tấu ngẫu hứng này tuy chưa từng có tiền lệ nhưng đã tạo nên hiệu quả rất cao cho bài chiêng truyền thống.

"Bài Chi-ri-ria họ sáng tạo bằng cách đưa giai điệu của làn điệu dân ca đó vào trong bài chiêng mà trước đây không có. Trước đây, bài chiêng chỉ diễn tả âm điệu của bài hát dân ca Chi-ri-ria thôi, nhưng bây giờ họ đưa được giai điệu đó vào, và cái đó rất hay, rất thú vị. Hay trong bài Pliêr (Mưa đá) thì họ đưa cả những tiếng hô vào trong khúc đầu của bài chiêng, càng tạo ra tính chất đột ngột của những cơn mưa đá trên vùng đất cao nguyên này" - Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân cho biết.

Không chỉ sáng tạo bài chiêng, nghệ nhân còn sáng tạo thêm nhạc cụ mới để trình diễn các bài chiêng.

Người góp phần làm mới bài chiêng Mưa đá là nghệ nhân Y Dúe Niê Kdăm (thường gọi là ama Pur), ở buôn Ako Siêr, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ông Y Dúe cho biết, theo truyền thống, chiêng chỉ được đánh khi tổ chức các nghi lễ cúng với vật hiến sinh từ con heo trở lên.

Sau nghi lễ cúng, người Êđê cột rượu cần thành hàng dài, thực hiện nghi thức mời rượu và uống chuyền nhau từ ché này sang ché khác. Trong lúc uống rượu cần, tiếng chiêng tiếng trống vang lên rộn rã, kéo dài thậm chí hàng tiếng đồng hồ cho đến khi tan hội. 

"Vào những thời điểm mùa ăn năm uống tháng, làm lễ cúng với trâu bò thì diễn tấu chiêng là lúc mà người ta uống chuyền nhau từ ché này sang ché khác. Những lúc đó thì đánh chiêng sẽ rất dài và rất lâu và không thể nào chỉ đánh đi đánh lại theo một nhịp cố định, vì thế mà chúng tôi sáng tạo mới dần dần. Đánh mỗi đoạn dài 3 - 5 phút một cách ngẫu hứng, chia đoạn như vậy rồi đặt tên gọi cho phù hợp với tiết tấu của từng bài. Đây là một cách sáng tạo mới chứ trước đây thì không có" - ông Y Dúe nói.

Đội nghệ nhân đánh chiêng buôn Ako Siêr, thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo nhiều người đánh giá, đội chiêng của nghệ nhân buôn Ako Siêr là một trong số ít các đội nghệ nhân có cách diễn tấu ngẫu hứng và có nhiều bài chiêng được làm mới. Đây cũng là đội nghệ nhân nổi tiếng ở thành phố Buôn Ma Thuột, thường xuyên đại diện cho tỉnh Đắk Lắk tham gia các kỳ thi, hội diễn và giao lưu văn hóa trong và ngoài nước.

Nghệ nhân Y Mip Ayun (thường gọi là ama Kim), ở buôn Ako Siêr, thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, với cách sáng tạo phù hợp, những bài chiêng sẽ mang hơi thở cuộc sống đương đại nhiều hơn. Đây là cách giúp cho những bài chiêng được sử dụng rộng rãi hơn, không còn chỉ gói gọn trong phạm vi nghi lễ mà trở thành một sản phẩm âm nhạc, do đó có thể lưu truyền và gìn giữ tốt hơn.

Đồng tình với quan điểm của nghệ nhân Y Mip Ayun, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân cho rằng, mọi giá trị văn hóa đều cần sự kế thừa, nhưng sự kế thừa đó phải vừa bảo tồn vừa phát triển. Âm nhạc dân gian cũng vậy, khi đời sống thay đổi thì các giá trị văn hóa sẽ có sự thay đổi, do vậy việc bảo tồn phải đi liền với việc thích ứng và biến đổi để phát triển, có như vậy bảo tồn mới đạt hiệu quả tốt. Đối với các bài chiêng cũng vậy, từ những bài chiêng truyền thống được sử dụng rất nhiều trong các nghi lễ của người Êđê, nay được các nghệ nhân sáng tạo, làm mới. Những sự sáng tạo này mang tính cộng đồng và được nhiều người đón nhận thì đó là cách làm tốt cần được tiếp nối.

"Chúng tôi trân trọng những sáng tạo đó, những sáng tạo vô danh, không có tác giả mà là của cả một tập thể nghệ nhân ở trong buôn làng đó. Đây chính là dân gian. Và tất cả những cái sáng tạo mới, những cái phát triển đó lại làm cho cồng chiêng thích ứng, thích nghi được với đời sống đương đại. Điều này rất có giá trị" - Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân nói.

Với những sáng tạo mang tính ngẫu hứng nhưng phù hợp, các nghệ nhân người Êđê ở các buôn làng của Đắk Lắk đang góp phần làm mới những bài chiêng truyền thống. Nhờ đó, những bài chiêng càng trở nên hấp dẫn hơn, được lan tỏa rộng rãi và lưu truyền nhiều hơn./.

Theo H Xíu/VOV-Tây Nguyên - Ngày 09/01/2021