Cập nhật: 10/01/2021 10:17:00
Xem cỡ chữ

Theo các cơ quan chuyên ngành thú y, từ giữa tháng 10 đến nay, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Đây là bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tại tỉnh Vĩnh Phúc tính đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò nhiễm bệnh, tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhiễm, lây lan rất cao do việc vận chuyển, giết mổ gia súc dịp cuối năm.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; do vận chuyển trâu, bò mang bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực ăn. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày với các triệu chứng chính như sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi nốt sần có đường kính 2 - 5 cm.

Để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giúp người chăn nuôi nhận biết dấu hiệu bệnh; áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhiễm vào đàn trâu, bò. Vật trung gian truyền bệnh viêm da nổi cục nhanh nhất, nguy hiểm nhất là ve, bọ, ruồi, muỗi. Người chăn nuôi phải tăng cường vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng.

Hiện, cán bộ Thú y các địa phương đã tiến hành thống kê đàn trâu, bò; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện trường hợp gia súc nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi. Tăng cường kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập vào tỉnh theo quy định.

Đặng Thưởng