Từ ngày 1/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành. Luật có sự điều chỉnh, bổ sung cơ bản về một số quy định, tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý đối với lao động là người nước ngoài.
Theo như quy định trước đây, lao động là người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 1 năm; lao động người nước ngoài là thành viên góp vốn cho công ty, doanh nghiệp đều không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động. Lợi dụng những quy định này, không ít người nước ngoài bỏ ra số tiền từ 1 đến 10 triệu đồng để làm thành viên góp vốn và xin xác nhận không cần cấp phép, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý lao động là người nước ngoài.
Từ 1/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước. Trong đó, có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, sẽ không còn tình trạng chỉ cần là thành viên góp vốn với số tiền từ 1 đến 10 triệu đồng cũng thuộc diện không phải cấp phép. Thay vào đó, tùy vào số tiền góp vốn mà lao động nước ngoài được gia hạn thời gian tạm trú. Đặc biệt, khi người nước ngoài có đủ những điều kiện theo quy định sẽ được chuyển đổi mục đích thị thực.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành đã góp phần tháo gỡ được những khó khăn căn bản trước đây, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài khi vào Việt Nam./.
Công an tỉnh