Cập nhật: 15/01/2021 11:15:00
Xem cỡ chữ

Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động “tín dụng đen”, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, “tín dụng đen” đã đạt những kết quả quan trọng. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ án có tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng liên quan “tín dụng đen”, tội phạm cơ bản được kiềm chế.

Phúc Yên từng là địa bàn tiềm ẩn phức tạp về tội phạm tín dụng đen, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của lực lượng Công an, đến nay các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay, hỗ trợ tài chính trá hình được kiềm chế. Toàn thành phố chỉ còn 32 cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh, giảm 10 cơ sở so với năm 2019. Để làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở này, Công an thành phố Phúc Yên đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, tổ chức ký cam kết đối với từng cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Nhận thức được tính chất và hệ lụy từ các cơ sở này, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã tích cực triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cầm đồ, tín dụng đen, trong đó tập trung rà soát, kiên quyết xử lý, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với các cơ sở vi phạm. Năm 2020, Công an tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận điều tra, xác minh 34 vụ việc với 84 đối tượng liên quan đến hoạt động cầm đồ, tín dụng đen; đã khởi tố 20 vụ với 69 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trước sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, các đối tượng liên quan đến cầm đồ, tín dụng đen ngày càng hoạt động tinh vi, thủ đoạn hơn. Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức pháp luật, cảnh giác trước các hành vi vi phạm pháp luật để tránh sập bẫy của tội phạm tín dụng đen./.

Kim Liên