Để đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao phục vụ phát triển KT - XH trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, từng bước nâng cao chất đội ngũ giáo viên, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nhân lực.
Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư 7 nghề trọng điểm, trong đó, có 4 nghề cấp độ quốc tế, 2 nghề cấp độ ASEAN và 1 nghề cấp độ quốc gia. Để triển khai hiệu quả các nghề trọng điểm, nhà trường đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, cung ứng lao động và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, liên kết đào tạo với các cơ sở dạy nghề của các nước tiên tiến trên thế giới để mở các lớp đào tạo nghề tại trường. Vừa qua, 20 sinh viên theo học thí điểm lớp Cao đẳng Nghề Điện tử công nghiệp theo chương trình chuyển giao từ Học viện Chisholm, Australia đầu tiên của trường đã tốt nghiệp và đã được các doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng với mức lương cao. Hiện nay, trường vẫn đang tiếp tục triển khai đào tạo theo chương trình, giáo án của Úc.
Để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế, giáo viên của trường đã tham dự chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng và tiếp nhận, sử dụng thiết bị tiên tiến phục vụ cho công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, trường cũng đã cử giáo viên đi tập huấn kỹ năng nghề tại các nước tiên tiến trên thế giới về nghề Điện, Điện tử, Cơ khí, Động lực, Công nghệ thông tin. Bản thân mỗi giáo viên thường xuyên đổi mới, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn để cập với chương trình đào tạo của trường.
Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc là một trong số ít các trường dạy nghề trên cả nước được thụ hưởng vốn vay ODA của nước Cộng hòa Liên Bang Đức để đầu tư trang thiết bị dạy nghề tập trung cho 3 lĩnh vực: Cơ khí cắt gọt; Điện - Điện tử và Công nghệ ô tô. Trong quá trình hoạt động, ngoài mối quan hệ với các tổ chức của Nước Cộng hòa Liên Bang Đức, trường cũng thường xuyên có mối liên hệ với các tổ chức quốc tế của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… để thu hút nguồn lực đầu tư phục vụ việc đào tạo các môn Tin học, Ngoại ngữ, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu và giáo dục đào tạo, trao đổi các tài liệu học tập nhằm tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của các quốc gia phát triển trên thế giới. Đây là cơ hội tốt để học sinh, sinh viên của trường được tiếp cận với các thiết bị máy móc hiện đại, sát với thực tế khi ra trường, có thể làm việc tốt tại các doanh nghiệp.
Việc tăng cường liên kết đào tạo các lớp nghề theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần giải quyết bài toán về thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng, tay nghề cao của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào tỉnh cũng như thị trường lao động của các nước trên thế giới, từ đó, thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.
Thu Hoài