Cập nhật: 01/02/2021 13:39:00
Xem cỡ chữ

Việc các biến thể mới xuất hiện và làm giảm hiệu quả của vaccine Covid-19 là hồi chuông cảnh báo cho toàn thế giới về một thực tế khốc liệt nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp ngăn chặn.

Virus SARS-CoV-2 đang học cách để chống lại vaccine

Các dữ liệu mới cho thấy 2 vaccine ngừa Covid-19 đều có hiệu quả thấp hơn ở Nam Phi so với những nơi khác. Việc này càng làm tăng mối lo ngại rằng virus SARS-CoV-2 đang nhanh chóng tìm cách thoát khỏi những công cụ mạnh nhất thế giới trong việc kiềm chế nó lây lan.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Công ty Novavax của Mỹ tuần trước cho biết mặc dù vaccine của họ có hiệu quả gần 90% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở Anh nhưng con số này đã giảm xuống còn 49% ở Nam Phi. Ngoài ra, gần như tất cả các ca mắc mà công ty này tiến hành phân tích ở Nam Phi đều liên quan đến biến thể B.1.351 xuất hiện vào cuối năm ngoái và đã lan rộng ra hơn 30 quốc gia khác trên thế giới.

Ngày 29/1, Johnson & Johnson cũng thông báo vaccine của họ có hiệu quả 72% trong việc ngăn ngừa các ca mắc Covid-19 vừa và nặng ở Mỹ, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ Latin là 66% và ở Nam Phi chỉ còn 57%.

Các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy các vaccine được thông qua ở Mỹ như Pfizer/BioNTech và Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch yếu hơn với biến thể ở Nam Phi.

Hiện nay, có những bằng chứng từ các cuộc thử nghiệm trên người cho thấy một số loại biến thể ít bị ảnh hưởng trước một vài loại vaccine nhất định.

"Từ quan điểm sinh học tiến hóa, điều này hoàn toàn có thể đoán trước được. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi xác nhận thực tế đáng sợ như vậy", Michael Mina, một nhà dịch tễ học của Harvard nhận định.

Các nhà nghiên cứu tin rằng sẽ mất một vài tháng hoặc thậm chí một vài năm để virus phát triển tới ngưỡng có thể chống lại vaccine. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng tốc độ tiến hóa của virus sẽ được đẩy nhanh nếu chúng lây lan không kiểm soát.

Hơn 100 triệu người trên thế giới đã mắc Covid-19 và mỗi một ca bệnh đều ẩn chứa cơ hội để virus biến chủng ngẫu nhiên.

Khi một đột biến nào đó xảy ra, virus có thể có khả năng chống lại hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể và hình thành một biến thể mạnh hơn.

Một dấu hiệu ban đầu cho việc này là có một số lượng đáng kể những người mắc Covid-19 lần thứ hai. Dường như những gì mà hệ miễn dịch của họ nhận được trong lần lây nhiễm đầu tiên đã không thể bảo vệ họ trước các phiên bản mới của virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học tại Moderna và Pfizer/BioNTech lo ngại rằng điều tương tự có thể xảy ra với hệ miễn dịch sau khi sử dụng vaccine của họ. Trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã xem xét các phiên bản khác nhau của virus và phơi nhiễm chúng cho các mẫu máu từ một số lượng nhỏ những người được tiêm vaccine.

Các kháng thể vô hiệu hóa virus do vaccine của Moderna tạo ra có hiệu quả với mức độ tương đương nhau khi chống lại chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu và biến thể B.1.1.7 từ Anh nhưng ít hiệu quả hơn nhiều trong việc đối phó với biến thể từ Nam Phi. Vaccine của Pfizer cũng có ít hiệu quả hơn trong việc chống lại biến thể từ Nam Phi so với các biến thể khác.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn thận trọng cho rằng việc nghiên cứu ở phòng thí nghiệm không phải là một mẫu hình hoàn hảo để tìm hiểu về hệ miễn dịch của con người.

"Liệu người được tiêm vaccine có mắc biến thể mới hay không - đây mới là bằng chứng thực sự của việc “lửa thử vàng", Otto Yang, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California tại Los Angeles (UCLA) cho hay.

Novavax thận trọng cho rằng nghiên cứu ở Nam Phi với 4.400 bệnh nhân vẫn ở quy mô quá nhỏ nên không thể đưa ra sự đánh giá chính xác về tính hiệu quả của vaccine.

Các kết quả của Johnson&Johnson cũng cung cấp thêm bằng chứng cho thấy vấn đề này thực sự nghiêm trọng.

Cuộc đua giữa biến thể SARS-CoV-2 và vaccine

Các chuyên gia cho biết sự thể hiện không hiệu quả của vaccine Covid-19 tại Nam Phi gần như chắc chắn là kết quả từ việc biến thể mới đang vượt trội ở khu vực này. Các nhà nghiên cứu tin rằng biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác và lây lan ngày càng rộng ở Nam Phi cũng như các nơi khác khi các cuộc thử nghiệm bắt đầu hồi tháng 9.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng các biến thể mới có thể là nguyên nhân cho việc thử nghiệm vaccine của Johnson & Johnson ở Mỹ Lantin có kết quả dưới mức trung bình. Các đột biến gây lo ngại nhất nằm ở protein gai trên bề mặt của virus bởi các đột biến này có thể làm tăng khả năng virus lọt qua vòng bảo vệ của các kháng thể mà vaccine tạo ra.

Hiện nay, Moderna thông báo sẽ tăng thêm 1 mũi tiêm nữa so với liệu trình 2 mũi tiêm vaccine hiện nay để chống lại biến thể từ Nam Phi. Công ty cũng có kế hoạch thử nghiệm xem liệu một mũi tiêm thứ ba của công thức ban đầu có thể ngăn chặn các biến thể khác hay không.

BioNTech, công ty hợp tác với Pfizer cũng cân nhắc đến việc điều chỉnh vaccine Covid-19 để đối phó với các biến thể mới.

Chìa khóa ngăn virus SARS-CoV-2 biến chủng

Mỹ đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới từ Nam Phi hôm 28/1 trong khi biến thể từ Anh với khả năng lây nhiễm cao hơn cũng đã lan rộng tại quốc gia này.

Trong một cuộc họp báo hôm 29/1, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm nhận định việc các biến thể mới dễ lây nhiễm hơn xuất hiện ở Mỹ hiện nay là "hồi chuông cảnh báo" cho thấy yêu cầu cần nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân Mỹ.

"Hãy tiêm vaccine cho nhiều người nhất có thể và nhanh nhất có thể" bởi đây là chìa khóa để ngăn khả năng virus biến chủng. "Virus không thể biến chủng nếu chúng không thể nhân lên", chuyên gia này cho hay.

Mỹ đang tiêm vaccine cho trung bình 1,2 triệu người/ngày, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Rochelle Walensky cho hay.

Dù vậy, theo các chuyên gia, tốc độ này vẫn còn quá chậm bởi không biết các loại biến thể vượt trội nào sẽ xuất hiện vào thời điểm chiến dịch tiêm vaccine ở giai đoạn quan trọng.

Họ cũng nhấn mạnh rằng việc tiêm vaccine cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ khác như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội cho tới khi số ca mắc giảm xuống.

Cuối cùng, một chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 phải được thực hiện trên toàn thế giới. Nếu một biến thể mới đột nhiên xuất hiện vào năm tới, chẳng hạn như tại Brazil, thậm chí toàn bộ nước Mỹ đã được tiêm vaccine cũng có thể gặp nguy hiểm.

"Cho tới khi mọi người đều được bảo vệ, nếu không thì tất cả chúng ta đều đối mặt với rủi ro", nhà dịch tễ học Mina cho hay.

Tiến sĩ Fauci cũng kêu gọi chính phủ tăng khả năng phát hiện các biến thể mới. Hiện nay, những nỗ lực sắp xếp trình tự gen đang bị phân tán, chủ yếu dựa vào các nhóm nghiên cứu và một số nhóm tình nguyện đăng tải dữ liệu của họ. Mỹ chỉ sắp xếp được trình tự gen của 1% trong số hàng triệu mẫu dương tính với SARS-CoV-2 thu thập được trong các cuộc xét nghiệm hàng ngày.

"Chúng ta đang chiếu một ngọn đèn vào bóng tối với hy vọng sẽ phát hiện ra các biến thể nguy hiểm. Tuy nhiên, điều chúng ta thực sự cần làm là phải bật điện lên", Anne Rimoin, nhà dịch tễ học UCLA cho hay.

Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) - Ngày 1/2/2021

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bien-the-lam-giam-hieu-qua-vaccine-covid-19-hoi-chuong-canh-bao-cho-the-gioi-834596.vov