Cập nhật: 02/02/2021 16:03:00
Xem cỡ chữ

Chế độ ăn nhiều chất đạm, chất béo, ít chất xơ; thêm vào đó là việc sử dụng các loại đồ uống có gas và cồn là nguyên nhân gây nhiều bệnh trong dịp Tết

Theo thống kê, hàng năm, cứ vào dịp Tết, bệnh lý tai - mũi - họng lại gia tăng. Lúc này các phòng khám tư thường đóng cửa, các bệnh viện có thể xa nơi cư trú nên nhiều người bị viêm họng, đau rát họng, ho, ngạt mũi, sổ mũi… có nhu cầu đi khám bệnh sẽ gặp khó khăn.

Lý do thường gặp thì lại rất dễ tránh: chính là do ăn uống không hợp lý gây ra!

Đau rát họng, ngạt tắc mũi, ho… bắt nguồn từ ngộ độc thực phẩm

Mũi họng sẽ viêm thứ phát sau khi bị nôn (vì ngộ độc thực phẩm).

Các biểu hiện xuất hiện sau khi ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị ôi thiu là nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, sốt… sau đó bạn cảm nhận họng đau rát kèm theo ho; sau đó ngạt mũi, chảy nước mũi mới xuất hiện.

Tổn thương niêm mạc đường tai - mũi - họng do trào ngược, có nguy cơ từ rối loạn tiêu hóa

Dịp Tết, mọi người có xu hướng ăn uống quá nhiều, nhất là các món ăn chứa nhiều chất đạm, chất béo, ít chất xơ; thêm vào đó là việc sử dụng các loại đồ uống chứa gas và cồn, khiến bộ máy tiêu hóa bị quá tải. Tình trạng rối loạn tiêu hóa vì thế ngày càng trầm trọng hơn, người bệnh sẽ bị trào ngược, gây nóng rát cổ, tổn thương niêm mạc họng, niêm mạc mũi; thậm chí gây viêm xoang, viêm loét miệng, họng miệng làm người bệnh khó ăn uống .

Cảm giác khô, đau nóng bỏng vùng họng, thậm chí mất tiếng do viêm loét dạ dày, tá tràng

Việc ăn uống thất thường, dùng các chất có tính kích thích như bia rượu, ăn nhiều chất béo…  làm tăng nguy cơ phát sinh viêm, loét dạ dày- tá tràng và biến chứng cấp tính như chảy máu hoặc thủng dạ dày, tá tràng. Chính bệnh lý viêm loét dạ dày- tá tràng đẩy lượng acid dư thừa từ dạ dày lên mũi họng và thanh quản.

Chảy máu mũi

Xảy ra do những nguyên nhân toàn thân như: tăng huyết áp do rượu hoặc bệnh lý gan thận do rượu… (Chúc tụng nhau trong dịp Tết là một thói quen thường có của mọi người. Tuy nhiên, bạn nên kiểm soát “tửu lượng” của bạn chỉ vừa đủ.

Ngoài ra rượu bia cũng dễ làm bùng phát các bệnh lý gan mật mạn tính như xơ gan, viêm gan… cũng như viêm tụy cấp, không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp mà còn có thể đe dọa tính mạng).

Phòng tránh các bệnh lý tai - mũi - họng vào dịp Tết

Thời điểm năm mới, Tết tới, cũng chính là thời điểm chuyển giao mùa, là thời gian thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh; nhất là ở trẻ em. Với trẻ em, bệnh lý diễn biến rất nhanh và nặng: viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp cấp… Ở người già, ngoài viêm đường hô hấp trên thì dễ tái phát các bệnh lý mạn tính đường hô hấp: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…

Dịp lễ Tết cũng là điều kiện tốt để tổ chức các lễ hội tụ tập đông người càng làm  tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý tai- mũi- họng, đặc biệt khi cả thế giới đang trong đại dịch COVID -19.

Không nên sử dụng bia rượu quá nhiều, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Không nên sử dụng bia rượu quá nhiều, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

a/ Sử dụng rượu bia vừa đủ;

b/ Nếu bạn có tiền sử đau dạ dày: hạn chế thức ăn nóng, thức ăn lên men, chua, cay..

c/ Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: tập thể dục đều đặn, súc miệng- họng hàng ngày.

d/ Cần có kế hoạch nghỉ ngơi và vui chơi hợp lý trong kỳ nghỉ lễ.

e/ Đảm bảo giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết lạnh.

f/ Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở sạch sẽ: luôn sát khuẩn tay, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

g/ Sớm phát hiện và điều trị các bệnh lý về tai- mũi- họng tại cơ sở y tế uy tín.

h/ Trong giai đoạn dịch bệnh, nên hạn chế tụ tập đông người, đặc biệt là trong khoảng không gian hẹp và không thông thoáng.

Không nên tiêu thụ quá nhiều đạm và chất béo

Không nên tiêu thụ quá nhiều đạm và chất béo

PGS TS BS Phạm Thị Bích Đào - BV ĐH Y Hà Nội

Theo vov.vn - Ngày 1/2/2021

https://vov.vn/suc-khoe/benh-ly-tai-mui-hong-tang-vao-dip-tet-vi-sao-833108.vo