Đến sáng 4/2, thế giới có tổng số 104.886.332 ca nhiễm và 2.276.652 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 389.644 và 9.117 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Người dân tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19 (Ảnh: AFP)
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 4/2, đã có 76.612.880 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 25.852.748 ca bệnh đang điều trị, có 25.890.218 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 106.582 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 113.317 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (53.164 ca) và Pháp (26.362 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.990 ca, sau đó là Anh (1.322 ca) và Brazil (1.180 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng nhanh trong 24 giờ qua, khi có thêm 126.968 ca nhiễm COVID-19 và 4.686 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 31.046.811 và 665.562 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Với 27.150.315 ca nhiễm và 461.922 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 1.874.092 và 789.651 ca nhiễm, cùng 159.533 và 20.355 ca tử vong vì COVID-19.
Châu Âu là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới, hiện ở mức 30.752.374 ca, trong đó có 719.604 ca tử vong và 17.415.236 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 179.607 ca nhiễm và 5.859 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Anh, Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 3.901.204; 3.871.825 và 3.251.160 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 109.335 ca, sau khi có thêm 1.322 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (89.820 ca) và Pháp (77.595 ca).
Với 23.302.487 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 4/2, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 375.823 ca đã tử vong do COVID-19 và 23.302.487 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 10.791.123; 2.501.079 và 1.438.286 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 154.742; 26.354 và 58.189 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 89.233 ca nhiễm và 1.930 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 16.124.313 ca và 421.397 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 27.756 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 9.339.420 vào thời điểm hiện tại, và 1.180 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 227.563 ca.
Tính đến sáng 4/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.629.345 ca, trong đó có 93.174 ca tử vong và 3.125.689 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.463.016 ca nhiễm và 45.344 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 4.058 ca nhiễm và 398 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 473.047 và 212.679 ca nhiễm bệnh cùng 8.323 và 6.980 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 50.282 ca nhiễm (tăng 31 ca) và 1.078 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 5 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.829 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), các biện pháp phong tỏa và hạn chế mới để chống đại dịch COVID-19 đang đe dọa sự phục hồi của ngành không dân dụng toàn cầu. IATA, ngày 3/2, công bố báo cáo đánh giá thấp triển vọng phục hồi của ngành hàng không thế giới trong năm 2021. Báo cáo của IATA cho biết trong năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành vận tải hành khách khi số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không toàn cầu giảm 66%, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa chỉ giảm 10,6% trong cả năm 2020.
Theo Khánh Linh/dangcongsan.vn – Ngày 4/2/2021
https://dangcongsan.vn/thoi-su/mot-ngay-the-gioi-co-hon-9000-nguoi-tu-vong-vi-covid-19-574204.html