Cập nhật: 05/02/2021 09:51:00
Xem cỡ chữ

Thường xuyên thức khuya, thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan.

Người hiện đại thường thức khuya do làm việc ngoài giờ hoặc đơn giản là lạm dụng thiết bị thông minh. Điều này làm rối loạn cơ chế phục hồi của gan ở một mức độ nhất định và làm tổn thương gan. Thói quen này càng nguy hiểm hơn với những người đã có sẵn những bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan…

Thức khuya gây hại cho gan như thế nào? - 1

Đông y cho rằng, gan là bộ phận lưu trữ điều chỉnh các chức năng của máu. Nếu cơ thể được nghỉ ngơi trong trạng thái yên tĩnh, khi nhu cầu máu của các bộ phận giảm xuống thì lượng máu đó được trở lại gan. Khi vận động, học tập, làm việc gia tăng, nhu cầu máu gia tăng, lượng máu tích lũy trong gan lưu thông nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Buổi tối vào khoảng từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau là thời gian hệ thống sinh học của cơ thể nghỉ ngơi, trong khi gan tập trung làm nhiệm vụ thải độc, loại bỏ các chất dư thừa, độc hại mà cơ thể đã hấp thụ.

Từ 1 đến 3 giờ sáng là lúc túi mật đẩy mạnh tiêu hóa chất béo, mỡ xấu và cholesterol. Các chức năng này sẽ đạt hiệu quả cao nhất nếu cơ thể ở trong trạng thái ngủ say. Do đó nếu chúng ta thức khuya sẽ làm thay đổi đồng hồ sinh học tự nhiên, làm tăng sinh nhiều phản ứng oxy hóa sản sinh ra nhiều chất trung gian độc hại, gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ thải độc của gan, thậm chí có thể làm tổn thương gan.

Không những thế, thiếu ngủ hoặc nghỉ ngơi không hợp lý có thể dẫn đến sự thiếu hụt máu ở gan, ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng tế bào gan làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Với người nhiễm virus viêm gan B, tế bào bị hư hại sẽ rất khó phục hồi và có khả năng nguy hiểm hơn.

Vì vậy nên nghỉ ngơi trước 23 giờ để có được giấc ngủ sâu vào khoảng từ 1 đến 3 giờ sáng, bởi đây là thời gian tốt nhất nuôi dưỡng máu trong gan. Đồng thời, nên ngủ đủ giấc, trung bình 8 tiếng mỗi ngày.

Theo Minh Nhật Tổng hợp - Ngày 5/2/2021

https://dantri.com.vn/suc-khoe/thuc-khuya-gay-hai-cho-gan-nhu-the-nao-20210204212337811.htm