Cập nhật: 11/02/2021 16:11:00
Xem cỡ chữ

Thực dưỡng còn gọi là “bảo sinh ẩm thực”, “nhiếp sinh ẩm thực”, “đạo sinh ẩm thực”... là những hoạt động tích cực của con người trong ăn uống để thích nghi tốt hơn với môi trường tự nhiên và xã hội; để gìn giữ, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

Ăn uống bồi bổ theo thời gian là một “mắt xích” quan trọng trong dưỡng sinh. Khi chọn món ăn bài thuốc, cần phải dựa theo mối quan hệ giữa khí hậu bốn mùa với các tổ chức tạng phủ bên trong cơ thể, thể trạng của từng người, để có lựa chọn hợp lý.

Người xưa xem trọng “Thiên Nhân hợp nhất”, nhấn mạnh sự hài hòa giữa người và tự nhiên. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử có viết: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”, tạm dịch là “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Cơ thể con người là tiểu vũ trụ, còn thiên nhiên là đại vũ trụ, tiểu vũ trụ ở trong đại vũ trụ, mọi lúc mọi nơi đều sẽ chịu ảnh hưởng của đại vũ trụ. Bốn mùa khác nhau, tiết khí khác nhau, sẽ đối ứng với chứng bệnh khác nhau. Con người trong mối liên hệ mật thiết với giới tự nhiên, bốn mùa khác nhau thì sự trao đổi chất của con người theo từng mùa cũng khác nhau, cho nên cần dựa theo sự thịnh suy, tiêu trưởng của âm dương để chọn những phương pháp dưỡng sinh khác nhau. Thuận theo quy luật của bốn mùa, lấy “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm” (sách “Hoàng đế nội kinh”) làm nguyên tắc dưỡng sinh.

Con người phân chia bốn mùa theo khí Thiên Địa thì thực dưỡng cũng phải thuận theo tự nhiên, tùy thời thay đổi. Thân thể của chúng ta tương thông với tự nhiên, thích ứng với thủy, thổ, tự nhiên của địa phương mình sinh sống. Vì vậy những ai muốn dưỡng sinh, sống khỏe mạnh thì nên ăn thực phẩm theo mùa của địa phương, sống hài hòa với thiên nhiên. Tiểu vũ trụ của bản thân sẽ hòa hợp với đại vũ trụ của tự nhiên, đó là bí quyết giữ gìn sức khỏe.

Lập xuân là tiết khí mở đầu của mùa xuân, báo hiệu vạn vật bắt đầu một vòng tuần hoàn mới, là mùa của sự sống, sự hồi sinh. Y học cổ truyền cho rằng, đây là lúc dương khí thăng cao, sự vật sinh sôi nảy nở, cũng là “thời điểm vàng” trong năm để dưỡng Can. Cổ nhân có câu: “Xuân bất dưỡng, hạ dị bệnh” tạm dịch mùa xuân nếu không dưỡng sinh, mùa hạ dễ sinh bệnh, quan trọng nhất trong đạo dưỡng sinh mùa xuân là dưỡng Can. Nếu không chăm sóc tốt sức khỏe, dưỡng không đủ Can huyết tới mùa hè dễ dẫn tới Tâm hỏa quá vượng hoặc mắc các loại bệnh về tràng vị. Ngược lại nếu dưỡng tốt Can vào thời điểm này, chính là gốc để cho sức khỏe cả năm sau. Thực dưỡng mùa xuân cũng không xa rời điểm quan trọng này.

Chức năng của tạng Can và biểu hiện khi rối loạn chức năng của Can: Can là tạng phong mộc, chứa giữ huyết hữu hình, có thể sơ tiết được khí vô hình. Lấy huyết làm thể, lấy khí làm dụng. Tính chủ thăng phát, thích điều đạt, cần được sơ tiết. Các chức năng của tạng Can: Can chủ sơ tiết: Phân bố dương khí toàn thân. Nếu can khí thiếu làm người ta yếu đuối dễ sợ. Nếu can khí sơ tiết quá độ, can dương thịnh dễ sinh choáng váng, đau đầu, mắt đỏ, chảy máu mũi. Can khí bị dồn nén uất ức, làm ngực đầy tức, đau mạng sườn.

Can tàng huyết: Tàng là giữ, chứa và điều hòa lượng huyết trong cơ thể. Khi hoạt động, lượng huyết cung cấp cho cơ quan nhiều. Khi nghỉ, lượng huyết cho các cơ quan ít. Khi ngủ, thì huyết về can. Can huyết không đủ sẽ sinh ra các triệu chứng lo sợ, tim đập nhanh, đau đầu, mất ngủ…

Can chủ cân: Cơ khớp co duỗi vận động được điều hòa là nhờ can dinh dưỡng cân tốt. Rối loạn chức năng này làm cân cơ co rút, đau nhức….

Can tàng hồn: Can khai khiếu ở mắt là biểu hiện chỉ tinh thần. Tạng can này còn có ảnh hưởng lớn đến thể chất lẫn tinh thần.

Mùa xuân nên ăn món gì dưỡng Can?

Sách “Hoàng đế nội kinh” có viết: “Can chủ về mùa xuân, Can không thích sự gấp rút, cho nên dùng vị ngọt để làm hòa hoãn nó lại. Can bệnh thì ăn đồ cay để sơ thông khí cơ, dùng thuốc cay để bổ cho nó, dùng vị chua để tả nó”. Trong mối quan hệ giữa ngũ tạng và ngũ vị thì vị chua có tính thu liễm, đi vào Can, không có lợi cho dương khí thăng phát và Can khí sơ tiết. Cho nên vào mùa xuân cần chọn lựa những thức ăn, vị thuốc có tác dụng nhu Can dưỡng Can, sơ Can lý khí.

Nên ăn:

- Thức ăn có vị ngọt: Y học cổ truyền cho rằng, tỳ vị là gốc của hậu thiên, nguồn sinh hóa khí huyết của cơ thể. Tỳ vị vượng thịnh thì cơ thể khỏe mạnh, sống lâu. Nhưng vào mùa xuân can khí làm chủ, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ. Theo học thuyết Ngũ hành, mộc khắc thổ cho nên mùa xuân can khí vượng thịnh dễ làm hại tỳ vị, ảnh hưởng không tốt đến chức năng tiêu hóa và hấp thu của cơ thể. Những thức ăn giàu đạm và đường cần được trọng dụng như thịt nạc, trứng gia cầm, sữa, mật ong, rau quả tươi, các loại mứt… Ngoài ra, vào mùa xuân phải chú ý kiêng dùng những đồ ăn thức uống sống và lạnh nhằm tránh làm tổn thương tỳ vị. Trên thực tế, ẩm thực ngày Tết của người Việt có nhiều món ăn phù hợp với quy luật trên như các món mứt có vị ngọt, các món thịt kho tàu, thịt đông, thịt gà, heo, bò… rất phù hợp với lời khuyên của Đông y.

Thực dưỡng mùa xuân

- Thức ăn có vị cay: Có thể chọn những thứ có vị cay, tính phát tán, ôn ấm và bồi bổ dương. Người Việt thường sử dụng nhiều loại gia vị cay ấm, thơm nồng, tạo nên hương và vị đặc sắc cho món ăn, Trong ngày Tết, các món ăn đa phần có sử dụng nhiều như hành, tỏi, gừng, hạt tiêu, hồi, quế, thảo quả, ngũ vị hương…

Thực dưỡng mùa xuân

- Thức ăn có màu xanh: Theo Hoàng đế nội kinh, ngũ sắc, ngũ vị, ngũ hành và ngũ tạng có sự đối ứng với nhau. Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong ngũ hành đối ứng với năm màu sắc trắng, xanh, đen, đỏ, vàng và đối ứng với ngũ tạng Phế, Can, Thận, Tâm, Tỳ. Màu sắc đối ứng với mùa xuân là màu xanh, màu xanh thuộc mộc, mộc đối ứng với tạng Can. Cho nên ăn những thực phẩm màu xanh có thể dưỡng Can.

Nên hạn chế ăn đồ chua: Mùa xuân, dương khí bắt đầu sinh ra, cho nên cần ăn những thứ có vị cay ngọt, có tính phát tán, không nên ăn đồ chua. Vị chua có tính thu liễm, khi hấp thu vào Can sẽ không có lợi cho việc sản sinh dương khí và khai thông Can khí.

Thực dưỡng cần có sự linh động để phù hợp với từng cá thể. Người có bệnh đái tháo đường không ăn nhiều đồ ngọt, người bị tăng huyết áp không ăn nhiều đồ mặn, người có thể chất dương thịnh thì không dùng nhiều đồ cay nóng và tráng dương, người âm thịnh thì không dùng nhiều đồ mát lạnh và dưỡng âm. Tiết trời trở lạnh thì không nên dùng nhiều đồ mát lạnh...

Theo BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ - Ngày 11/2/2021

https://suckhoedoisong.vn/thuc-duong-mua-xuan-duong-can-n186695.htm