Cập nhật: 17/02/2021 08:11:00
Xem cỡ chữ

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam, trong bảy ngày Tết Nguyên đán 2021 (từ ngày 10-2 đến ngày 16-2) toàn quốc xảy ra 182 vụ tai nạn giao thông, làm chết 109 người, bị thương 123 người.

Ảnh: DUY LINH

So với bảy ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tai nạn giao thông giảm 16 vụ (giảm 8,08%), giảm 24 người chết (giảm 18,05%), giảm 51 người bị thương (giảm 29,31%).

Trong đó, lĩnh vực đường bộ xảy ra 179 vụ làm chết 106 người, bị thương 123 người; lĩnh vực đường sắt xảy ra một vụ làm chết một người; lĩnh vực đường thủy xảy ra hai vụ, làm chết hai người.

Không xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không và hàng hải.

Nguyên nhân tai nạn của 46/179 vụ: do lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn ba vụ, vi phạm phần đường 17 vụ; không chú ý quan sát 13 vụ, chuyển hướng không đúng quy định ba vụ, vượt xe không đúng quy định một vụ, không chấp hành quy định về tốc độ bốn vụ, do người đi bộ qua đường không đúng quy định ba vụ, quy trình thao tác lái xe một vụ còn lại đang điều tra chưa rõ nguyên nhân.

Về tình hình ùn tắc giao thông, trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông; người dân được cung cấp thông tin đã chủ động chọn thời điểm đi lại tránh tập trung những khoảng thời gian cao điểm.

Đồng thời, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, những khuyến cáo người dân hạn chế đi lại và không tụ tập đông người nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài đã giảm đáng kể so với những năm trước.

Tuy nhiên còn xảy ra ùn tắc tại một số trạm thu phí, tuyến đường trục chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào ngày đầu và các ngày cuối kỳ nghỉ Tết; lực lượng chức năng đã ứng trực kịp thời xử lý sự cố và đưa giao thông thông suốt trở lại.

Trong những ngày Tết, tại TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh về cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Tuy nhiên, tình trạng đi xe mô-tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến.

Lực lượng chức năng TP Hà Nội đã tổ chức chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố tại các nút giao thông trọng điểm (các điểm chợ hoa, chợ Tết; 15 tuyến quốc lộ, trục chính ra vào thành phố);

Cao điểm hai ngày trước Tết và sau Tết, các tuyến đường vành đai, đường trục chính ra vào TP Hà Nội (cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, Vành đai 3, quốc lộ (QL) 32, QL 1....), TP Hồ Chí Minh (QL1 đi miền đông và miền tây, cao tốc TP Hồ Chí Minh Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành- Dầu Giây, QL 13, 14, 22, 51, các tuyến kết nối Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, bến xe Miền Đông, Miền Tây) xảy ra ùn tắc cục bộ.

Về công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông công an các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, xử lý 16.758 trường hợp vi phạm, phạt tiền 17,113 tỷ đồng, tạm giữ 101 ô-tô, 4.642 mô-tô, tước 1.930 giấy phép lái xe.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, số lượt phản ánh tới đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã giảm đáng kể so với Tết những năm trước, với tổng số hơn 90 lượt gọi/bảy ngày; chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ ngày 9, 10-2 (tức ngày 28 và 29 tháng Chạp) và ngày 15, 16-2 (tức ngày mùng 4 và mùng 5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc).

Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm quy định nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người đi định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, tình hình trật tự an toàn giao thông trong bảy ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên toàn quốc về cơ bản được bảo đảm tốt, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới xe khách giảm, ít xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm nồng độ cồn điều khiển mô-tô, xe máy, ô-tô ở khu vực ngoài đô thị, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều, đã xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm liên quan tới vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô xe máy.

Điển hình là vụ tai nạn giao thông tại Gia Lai vào tối mùng 3 Tết làm bốn người chết và một người bị thương (nạn nhân đều là thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số và qua khám nghiệm ban đầu cho thấy đều có nồng độ cồn trong cơ thể và không có bằng lái xe máy).

Các nạn nhân tai nạn giao thông khi đi mô-tô xe máy bị chấn thương sọ não nặng cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức đa số đều không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ sai quy định.

Theo BÔNG MAI/nhandan.com.vn - Ngày 16/2/2021

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/128-vu-tai-nan-giao-thong-109-nguoi-chet-trong-ky-nghi-tet-tan-suu-635594