Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện các giải pháp nhằm tạo việc làm, đầu tư cho y tế, giáo dục, mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và các chính sách hỗ trợ đời sống cho Nhân dân.
Trong thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo bảo đảm tốt nhất chính sách an sinh xã hội cho người dân. Hoạt động bảo hiểm tiếp tục được các ngành, các địa phương triển khai rộng khắp. Đến nay, toàn tỉnh có trên 7.200 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó, đa phần là lao động tự do và các đối tượng bị dừng việc, nghỉ việc đóng thêm để đủ năm nhận lương hưu. Điều đó cho thấy, người dân đã tiếp cận, nhận thức đầy đủ hơn cũng như hiểu được ý nghĩa, tác dụng và tính nhân văn của chính sách này, do vậy đã có sự tăng lên đáng kể về số lượng người tham gia. Ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ hiện hành của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc còn mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; đổi mới cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và giảm nghèo bền vững; tập trung vào các giải pháp phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, thiếu nguồn vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, người lao động phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm lương hoặc nghỉ không hưởng lương. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ổn định lao động cho các doanh nghiệp. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã dành 115 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người có công và người hưởng chính sách bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo kết quả rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 4.975 hộ nghèo, 8.458 hộ cận nghèo, gần 11.000 người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng, hơn 42.000 người thuộc nhóm bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi trả.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo; vận động Nhân dân thực hiện tốt phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động. Vận động, tuyên truyền hộ nghèo, người nghèo nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với nguồn lực được hỗ trợ; khơi gợi ý thức tự lực tìm việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập thực tế bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt từ 130 đến 135 triệu đồng; tạo việc làm tăng thêm hằng năm từ 16 đến 17 nghìn việc làm mới. Với những kết quả đã đạt được, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực đảm bảo chính sách an sinh xã hội vì mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống cho người dân./.
Thu Thủy