Các nhà khoa học cảnh báo, một căn bệnh gây chết người gấp 75 lần so với COVID-19 có thể đột biến để trở thành đại dịch tiếp theo giết chết hàng triệu người trên thế giới.
Phù não nghiêm trọng, co giật và nôn mửa chỉ là một trong số những triệu chứng của bệnh truyền nhiễm do virus Nipah, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại Malaysia. Những đợt bùng phát ở Nam và Đông Nam Á cho thấy loại virus này cực kỳ nguy hiểm với tỷ lệ tử vong từ 40% đến 75%. Hiện tại, thế giới chưa có thuốc, vaccine để điều trị và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm do virus Nipah gây ra.
Virus Nipah có tỷ lệ tử vong 70% trong những đợt bùng phát trước đây.
Tổ chức Y tế thế giới cũng xếp virus Nipah vào danh sách 16 mầm bệnh cần ưu tiên nghiên cứu và phát triển do có khả năng gây ra dịch bệnh. Đặc biệt, Nipah chỉ là một trong 260 loại virus tiềm ẩn khả năng gây đại dịch cho nhân loại, tương tự COVID-19 do SARS-CoV-2.
Được ghi nhận lần đầu tiên tại Malaysia
Virus Nipah được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1999 tại Malaysia. Trong đợt bùng phát đầu tiên, dịch đã lan sang Singapore và hầu hết bệnh nhân nhiễm virus đều do tiếp xúc lợn mang trùng. Đợt bùng phát tiếp theo xảy ra ở Bangladesh và Ấn Độ đầu năm 2001. Nguyên nhân là tiêu thụ trái cây, nước ép bị nhiễm nước tiểu, nước bọt của dơi mang trùng.
Tỷ lệ tử vong lên đến 75%
Theo Đại học Hoàng gia Anh, tỷ lệ tử vong của COVID-19 là khoảng 1%, trong khi đối với virus Nipah là từ 45% đến 75% tùy thuộc vào đợt bùng phát, tức là cao hơn nhiều so với COVID-19. Hơn nữa, Nipah đã được chứng minh là có thể lây truyền qua thức ăn, cũng như khi tiếp xúc với chất bài tiết của người hoặc động vật.
Thời gian ủ bệnh lên tới 45 ngày
Loại virus này rất đáng lo ngại do thời gian ủ bệnh dài lên đến 45 ngày, có nghĩa là người mang trùng có thể lây nhiễm virus ra ngoài cộng đồng trong hơn một tháng trước khi khởi phát triệu chứng lâm sàng.
Tỷ lệ đột biến cao
Nipah cũng có tỷ lệ đột biến cao đặc biệt và người ta lo ngại rằng một chủng vi khuẩn thích nghi tốt hơn với các bệnh lây nhiễm ở người có thể lây lan nhanh chóng giữa các quốc gia. Và trong khi đại dịch COVID-19 đã tàn phá thế giới, cướp đi sinh mạng của gần 2,5 triệu người thì đại dịch tiếp theo được cảnh báo có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Căn bệnh này được cho là bắt nguồn từ loài dơi, trước khi truyền sang người.
Virus Nipah sẽ là đại dịch tiếp theo?
Tiến sĩ Rebecca Dutch, chủ nhiệm khoa Hóa sinh phân tử và tế bào của Đại học Kentucky và là người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu virus trên thế giới cho biết, mặc dù không có đợt bùng phát Nipah hiện tại trên thế giới, nhưng chúng xảy ra theo chu kỳ và “rất có thể” sẽ là dịch bệnh tiếp theo. Hiện có rất ít nghiên cứu về sự đa dạng di truyền của các loại virus liên quan đến Nipah ở dơi. Kịch bản gây lo ngại nhất là xuất hiện một chủng có khả năng thích nghi tốt chưa từng có và lây truyền mạnh hơn từ động vật sang người, cũng như từ người sang người.
Cho đến nay, Nipah chủ yếu lây lan khi tiếp xúc gần với người bị bệnh, đặc biệt là người bị bệnh đường hô hấp qua các giọt bắn và không thấy các chuỗi lây truyền lớn.
Thế giới cần tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó
Tiến sĩ Saville cảnh báo rằng chúng ta cần tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với một "sự kiện lớn" tiếp theo, dù nó có thể đến từ virus Nipah hay bất kỳ virus gây bệnh nào khác. Điều quan trọng nhất là thế giới phải hiểu rằng, một đại dịch trong tương lai là không thể tránh khỏi và có nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi khác được công nhận là có khả năng gây đại dịch như cúm, cũng như các mầm bệnh mới hoặc chưa được xác định được gọi là “'Bệnh X”. Theo Tổ chức EcoHealth Alliance, trong số 1,67 triệu virus chưa biết trên hành tinh, có tới 827.000 virus trong số này có khả năng lây nhiễm sang người từ động vật. Liên minh đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI) đang xem xét việc sản xuất một thư viện vaccine nguyên mẫu có thể nhắm mục tiêu tất cả các virus corona cùng một lúc.
Ngoài các virus gây bệnh truyền nhiễm, Giám đốc điều hành của Tổ chức Tiếp cận Thuốc, Jayasree K Iyer cũng gọi “kháng thuốc” là một nguy cơ đại dịch lớn. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã gây ra hơn 700.000 ca tử vong mỗi năm, trong đó có hơn 200.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh.
Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, do đó ngày càng có nhiều vi khuẩn trở nên đề kháng với các loại thuốc kháng sinh này.
Theo CTV Châu Nhi/ VOV.VN (biên dịch) - 27/2/2021
https://vov.vn/suc-khoe/canh-bao-virus-nipah-gay-phu-nao-va-ty-le-tu-vong-cao-gap-75-lan-covid-19-839806.vov