Cập nhật: 02/03/2021 15:52:00
Xem cỡ chữ

Đến viện khám vì u tai kéo dài và có hạch vùng góc hàm trái, người đàn ông 50 tuổi (Quảng Trị) được chẩn đoán mắc ung thư vòm giai đoạn muộn.

Theo BCSKII Đinh Viết Thanh, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện tỉnh Quảng Trị, ông N.V.B đến khám tại phòng khám Tai Mũi Họng với lý do ù tai kéo dài và có hạch vùng góc hàm trái. Bệnh nhân được nội soi và phát hiện khối u chiếm toàn bộ vòm mũi họng sần sùi tăng sinh mạch máu. Xét nghiệm giải phẫu bệnh chẩn đoán ung thư vòm giai đoạn muộn.

Ung thư vòm phát hiện sớm rất khó vì có các triệu chứng vay mượn và khối u nằm sâu trong hốc mũi nên khám thông thường không phát hiện.

Ù tai kéo dài coi chừng ung thư vòm họng - 1

Hình ảnh nội soi và cắt lớp vi tính khối u vòm họng.

Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính, một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Bệnh dễ mắc phải ở những người có lối sống không lành mạnh, tiền sử gia đình có người mắc ung thư vòm họng, nam giới ở tuổi 40-60. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị khỏi bằng các can thiệp y tế như xạ trị, hóa trị. Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính, gây tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng cao có thể kể đến là: người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, tia phóng xạ, cao su, nhựa tổng hợp…; ăn nhiều cá muối, thức ăn lên men như đồ muối chua, thịt hun khói; hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, sử dụng chất kích thích; có tiền sử người thân trong gia đình (cha/mẹ/anh chị em) bị ung thư vòm họng.

Dấu hiệu của ung thư vòm họng

Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu của bệnh thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tai mũi họng. Bệnh nhân có thể bị đau đầu, ngạt mũi thoáng qua, đôi khi xuất hiện hạch nhỏ ở cổ nhưng không đau.

Đau họng kéo dài là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư vòm họng.

Ngoài ra, người bệnh có thể thấy nổi hạch cổ; ngạt mũi, chảy máu mũi, hay xì ra nhầy mũi lẫn máu; đau đầu, thường là nhức nửa đầu, âm ỉ cả ngày; ù tai, mất nghe một bên do u làm tắc vòi Eustache; giảm hoặc mất thị lực, sụp mi, nhìn đôi; có máu trong nước bọt, khó nuốt.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng

Mặc dù nguyên nhân của bệnh này chưa được xác định rõ ràng nhưng một số yếu tố sau đây được coi là có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng:

- Thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hóa chất (đặc biệt là các hydrocacbon thơm), ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men (dưa, cà, mắm)…

- Hút thuốc

- Uống nhiều bia rượu

- Do di truyền.

- Yếu tố địa lý: Ung thư vòm thường gặp với tỷ lệ cao ở các nước Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc nhưng ít gặp ở các nước Âu Mỹ. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ của ung thư vòm.

- Nhiễm virus EBV

Để dự phòng ung thư vòm mũi họng, người dân không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, chất kích thích; điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm ở đường mũi; đi khám chuyên khoa khi có các biểu hiện bất thường; tập luyện thể dục, ăn uống điều độ; không ăn thức ăn mặn, thức ăn lên men; không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo Hà An/dantri.com.vn - 2/3/2021

https://dantri.com.vn/suc-khoe/u-tai-keo-dai-coi-chung-ung-thu-vom-hong-20210302144813895.htm