Cập nhật: 04/03/2021 08:13:00
Xem cỡ chữ

Dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch trên toàn cầu, khiến mọi hoạt động liên quan gần như tê liệt. Song, cũng chính sự đóng băng của du lịch truyền thống đã mở đường để du lịch số lên ngôi, trong đó hình thức du lịch ảo được xem là xu hướng mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho ngành du lịch.

“Khám phá hang Sơn Đoòng” lọt vào tốp 10 tua du lịch thực tế ảo đáng tham gia nhất thế giới. Ảnh GIÔN XPAI-Ơ

Du lịch ảo không đơn thuần chỉ là du lịch qua màn ảnh truyền hình hay qua những trang sách, báo, tạp chí du lịch. Du lịch ảo cho phép người dùng được trải nghiệm những hình ảnh chân thực, cảm giác sống động y như thật của điểm đến đã được số hóa trên môi trường 3D mà không phải di chuyển, thông qua sự trợ giúp của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality-VR) với những công cụ hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính, kính thực tế ảo, tai nghe, ghế tạo hiệu ứng… Ðiều này có nghĩa, chỉ cần ngồi một chỗ, bạn vẫn có thể cảm nhận mầu xanh bao la ngút ngàn của những đồi chè Mộc Châu, tham gia vào chuyến hành trình thám hiểm hang Sơn Ðoòng đầy kỳ thú, hoặc đến với những di tích, danh thắng nổi tiếng trên thế giới. Hình thức du lịch từ xa này không chỉ giúp thỏa mãn "cơn khát" của những tín đồ ưa xê dịch trong thời dịch Covid-19, mà còn là sự lựa chọn tuyệt vời giúp du khách tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời loại bỏ hoàn toàn những rắc rối có thể có trong hành trình du lịch thực tế, như cảnh đông đúc, xô bồ ở các điểm đến "hot", hoặc những rủi ro không thể lường trước…

Nắm được thế mạnh này, thời gian qua, nhiều quốc gia đã dành sự nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ cho du lịch ảo. Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại, xu hướng này càng được quan tâm hơn. Công nghệ VR đã chắp cánh để nhiều công ty du lịch nổi tiếng xây dựng những tua du lịch ảo hấp dẫn, kích thích cảm xúc du khách một cách mạnh mẽ như lái trực thăng để tham quan đảo Ma-hát-tan từ trên cao, hay hành trình thăm U-gan-đa (châu Phi) trên khinh khí cầu… Tại Nhật Bản, kể từ khi hạn chế đi lại vì dịch bệnh, lượng đặt các tua du lịch ảo đã tăng lên khoảng 50%. Mới đây, công ty First Airlines ra mắt tua du lịch ảo trong mô hình ca-bin máy bay. Theo đó, du khách được tiếp đón trong khoang hạng nhất với đồ ăn, nước uống và thông qua kính thực tế ảo, họ được đặt chân tới những thành phố du lịch tuyệt vời tại I-ta-li-a, Mỹ, Pháp…, tận hưởng trọn vẹn một chuyến du lịch sống động, chân thực. Cam-pu-chia cũng thu hút với tua tham quan ảo quần thể di tích Ăng-co Vát, đưa du khách trở về quá khứ để ngắm nhìn những công trình kiến trúc cổ xưa… Có thể thấy, khả năng mang đến sự tự do trong trải nghiệm với những hình ảnh đẹp mắt, kết hợp tính an toàn cao là những ưu điểm vượt trội mở đường cho du lịch ảo phát triển.

Tất nhiên, dù hấp dẫn đến đâu thì du lịch ảo cũng không thể thay thế du lịch thực tế, bởi theo các chuyên gia du lịch, những kỷ niệm, sự trải nghiệm văn hóa phát sinh trong quá trình khám phá trực tiếp những địa danh, con người cụ thể không thể có từ những mô hình mô phỏng. Tuy nhiên, du lịch ảo vẫn là loại hình cần được phát triển song song với du lịch thực tế bởi khả năng mở rộng phân khúc khách hàng, nhất là với những đối tượng bị hạn chế khi tiếp cận du lịch theo cách truyền thống như người khuyết tật, người cao tuổi, người bị hạn chế về sức khỏe, thu nhập thấp. Bên cạnh đó, du lịch ảo với thế mạnh mang đến những trải nghiệm chân thực còn là kênh quảng bá hữu hiệu cho điểm đến, giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng bán các tua du lịch truyền thống từ việc kích thích nhu cầu được đến và trải nghiệm trong thực tế của du khách. Ðiều này có nghĩa, du lịch ảo không chỉ là kênh truyền thông hiệu quả về thương hiệu, giúp doanh nghiệp "phá băng" trong đại dịch mà còn là lối thoát để du lịch truyền thống nhanh chóng bùng nổ trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế.

Đây là những lý do khiến Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc đua phát triển du lịch ảo, nhất là khi dải đất hình chữ S vốn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Vài năm gần đây, du lịch ảo đã bắt đầu xuất hiện ở nước ta, trong đó tiêu biểu phải nói đến tua khám phá hang Sơn Ðoòng (Quảng Bình). Tờ báo nổi tiếng của Anh The Guardian bình chọn, đây là một trong mười tua du lịch ảo đáng tham quan nhất thế giới, đưa du khách đi xuyên qua những hang động với hệ thống hình ảnh 360 độ có độ sắc nét cao và trải nghiệm hệ thống âm thanh gắn liền các cảnh quan… Mới đây, lần đầu tiên tại Tây Bắc, tua du lịch ảo khám phá Mộc Châu được thực hiện, cung cấp những trải nghiệm tương tác, tham quan thú vị, y như thật với những địa danh đã số hóa trong môi trường 3D như thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng… Một số địa danh nổi tiếng khác như hồ Hoàn Kiếm, Bưu điện TP Hồ Chí Minh, bảo tàng, di tích cũng được đưa vào số hóa để gia tăng những trải nghiệm mới cho du khách bằng công nghệ thực tế ảo.

Bước phát triển nêu trên là những tín hiệu vui cho thấy du lịch ảo ở Việt Nam đã ít nhiều được chú trọng. Muốn loại hình này phát triển mạnh mẽ trong tương lai, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong việc đánh giá đúng lợi ích của du lịch thực tế ảo, từ đó có các giải pháp để đưa vào triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ. Cơ quan chức năng, quản lý nhà nước về du lịch cần giữ vai trò là đầu tàu kết nối để tạo điều kiện, khuyến khích các đơn vị nhanh chóng số hóa dữ liệu các điểm đến, từ đó đồng bộ hóa để tìm hướng khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu khổng lồ này với công nghệ VR. Ðiều này đòi hỏi sự đầu tư về cả thời gian, nhân lực và vật lực, nhưng hứa hẹn sẽ tạo ra những cú huých mạnh mẽ để du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá.

Theo VIỆT ANH/nhandan.com.vn - 3/3/2021

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-du-lich/co-hoi-phat-trien-du-lich-ao-637154/