Người mắc viêm gan C có tới 20% sẽ tiến triển thành xơ gan. Vì thế, việc xác định được các giai đoạn phát triển của bệnh là điều rất quan trọng giúp kiểm soát căn bệnh này.
Viêm gan C là một bệnh lý gan mật khá phổ biến tại nước ta do virus viêm gan C (HCV) gây ra. Dựa vào sự tiến triển của loại virus này mà các nhà khoa học đã chia diễn tiến của bệnh viêm gan C ra thành 4 giai đoạn khác nhau. Cụ thể:
Giai đoạn 1: Giai đoạn viêm gan C cấp tính
Đây là giai đoạn đầu tiên mà cơ thể bắt đầu có sự xâm nhập của virus HCV. Giai đoạn này thường kéo dài 6 tháng. Trong 6 tháng này, sẽ có khoảng 20% người nhiễm virus viêm gan C có khả năng tự đào thải virus ra khỏi cơ thể và khỏi bệnh, còn lại sẽ tiếp tục tiến triển sang giai đoạn 2 của bệnh.ư
Ở giai đoạn này, thông thường sau từ 7 đến 8 tuần nhiễm virus HCV, sẽ có khoảng 30% bệnh nhân có triệu chứng khó chịu giống như bị cảm cúm nhẹ. Ngoài ra, một số trường hợp có thể gặp triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau nhức xương khớp. Một số khác gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ăn uống kém, bị sốt hoặc nổi mẩn ngứa. Khoảng 30% bệnh nhân có hiện tượng vàng da, vàng mắt. Các triệu chứng này sẽ kéo dài từ 6 đến 8 tuần và sẽ từ từ thuyên giảm rồi hết.
Giai đoạn 2: Giai đoạn mạn tính
Đây là một trong các giai đoạn phát triển của bệnh viêm gan C mà người bệnh phải đặc biệt quan tâm. Khi bước sang giai đoạn này, người bệnh sẽ không thể khỏi bệnh nếu không điều trị, nếu để lâu ngày, virus sẽ phá hủy lá gan và gây ra nhiều bệnh lý gan mật nguy hiểm hơn.
Ở giai đoạn này, virus sinh sôi trong tế bào gan, làm cho tế bào gan bị tổn thương, gây viêm gan, suy giảm chức năng gan. Tế bào gan bị viêm lâu ngày sẽ bị hoại tử, gây tăng men gan (AST/ALT) trong máu. Sau đó nếu không được điều trị tích cực , bệnh có thể sẽ tiến sang giai đoạn 3.
Về triệu chứng, mặc dù gan bị tổn thương nhưng do có khả năng tự phục hồi nên đa số người bệnh ở giai đoạn này không có triệu chứng rõ ràng. Chỉ khoảng 6% người viêm gan C mạn tính mới có vài triệu chứng tiêu biểu nhưng cũng rất nhẹ, nên thường không được để tâm đến. Triệu chứng thường xuyên nhất là cơ thể mệt mỏi, hay sốt nhẹ vào xế chiều, bị rối loạn tiêu hóa, ăn uống không ngon miệng, sụt cân, khả năng tập trung kém đi…
Giai đoạn 3: Giai đoạn viêm và bắt đầu hình thành các sẹo gan (xơ gan)
Trong các giai đoạn phát triển của bệnh viêm gan C thì đây được xem là giai đoạn đánh dấu bệnh đã chuyển biến nặng hơn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Ở giai đoạn này, lượng virus HCV trong máu ở mức cao và chúng vẫn tiếp tục sao chép. Tế bào gan bị viêm nặng và nếu như không kiểm soát nồng độ virus, tăng cường chức năng gan, phục hồi tế bào gan thì chúng sẽ bị thoái hóa cấu trúc. Khả năng tái sinh của tế bào gan bị chậm lại, hình thành nên các tế bào gan dạng nốt. Đây chính là yếu tố khiến cho xơ gan hình thành và phát triển.
Các triệu chứng ở giai đoạn này cũng giống như ở giai đoạn 2. Một ít người có thêm triệu chứng đau tức phần dưới hạ sườn phải, bụng hay đau lâm râm hoặc cảm thấy khó chịu, buồn nôn, da và mắt vàng, nổi ngứa, đau cơ hoặc đau nhức xương khớp.
Giai đoạn 4: Xơ gan
Theo các chuyên gia gan mật, có khoảng 20% người bị viêm gan C mạn tính sẽ biến chứng sang giai đoạn xơ gan và một nửa trong số đó có thể tiến triển đến xơ gan giai đoạn cuối hoặc ung thư gan nguy hiểm. Bệnh nhân viêm gan C khi đang sang giai đoạn này thì cấu trúc tế bào gan đã thay đổi, bề mặt gan trở nên cứng hơn, xuất hiện nhiều sẹo, hình thành các mô xơ, chức năng của gan đã bị suy giảm nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể sẽ gặp phải những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: xơ gan cổ trướng, hôn mê gan, giãn tĩnh mạch thực quản, ung thư gan… nếu không điều trị kịp thời.
Theo Minh Nhật/dantri.com.vn - Ngày 6/3/2021
Tổng hợp
https://dantri.com.vn/suc-khoe/rung-minh-voi-cach-virus-am-tham-tan-pha-la-gan-20210305214053812.htm