Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu các bậc phụ huynh không kiểm soát tốt con cái trong chuyện ăn uống, trẻ sẽ dễ béo phì hoặc thừa cân và điều này gây tác động tiêu cực đến gan.
Một số nghiên cứu về vấn đề này đã được tiến hành ở Mỹ và cho kết quả vòng eo lớn hơn mức bình thường ở những đứa trẻ 3 tuổi làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu khi trẻ lên 8.
Gan nhiễm mỡ không do rượu xảy ra khi mỡ tích tụ quá nhiều trong gan gây viêm và làm gan bị tổn thương.
Theo Jennifer Woo Baidal, trợ lý giáo sư tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ) thì việc thực hành quản lý cân nặng của trẻ em cho thấy sự gia tăng béo phì ở trẻ khiến ngày càng nhiều trẻ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu. Baidal cho biết thêm: "Nhiều bậc phụ huynh biết rằng béo phì có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 và nhiều bệnh lý chuyển hóa khác nhưng họ lại có rất ít nhận thức rằng béo phì (ngay cả ở trẻ nhỏ) có thể gây ra các bệnh gan nghiêm trọng".
Nghiên cứu về tìm kiếm các yếu tố gây nguy cơ gan nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ đã được công bố trên tạp chí Journal of Paediatrics. Các nhà khoa học đã tiến hành đo nồng độ một loại men gan được gọi là ALT trong máu ở 635 trẻ em. Các trường hợp ALT tăng cao đều cho thấy gan có dấu hiệu tổn thương và điều này có thể xảy ra ở người bị gan nhiễm mỡ không do rượu. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng 8,23% trẻ em tham gia nghiên cứu có mức ALT cao. Đặc biệt những trẻ 3 tuổi có chỉ số đo béo bụng lớn và trẻ trong độ 3 đến 8 tuổi có vòng bụng lớn hơn thì có nhiều khả năng bị tăng ALT hơn những đứa trẻ khác.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm khoảng 35% trẻ 8 tuổi mắc béo phì có mức tăng ALT cao hơn 20% so với những trẻ có cân nặng bình thường. Nguy cơ tăng mạnh ALT có thể bắt đầu từ khoảng 10 tuổi. Tuy nhiên các chuyên gia yêu cầu phụ huynh cần có biện pháp kiểm soát cân nặng từ sớm hơn trong cuộc đời trẻ để tránh viêm gan và các bệnh về gan ở trẻ về sau.
Theo Minh Nhật (nguồn Zeenews) - 21/3/2021
https://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-co-nguy-co-mac-benh-gan-neu-bo-me-nuong-chieu-van-de-nay-20210320125224261.htm