Khẳng định vai trò to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia; bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; quan điểm của Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử về giải pháp ngăn chặn nội dung xấu trên mạng xã hội; vạch trần bộ mặt thật của tổ chức khủng bố Việt Tân và đối tượng Trần Quyết Thắng- một phần tử câu kết chặt chẽ với tổ chức phản động VOICE (ngoại vi của Việt Tân)...Đó là những thông tin chính trong bản tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái do Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện tuần này.
Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia
Sáng 23-3, dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931/26-3-2021) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò của thanh niên, khẳng định thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia.
"Đã có hàng triệu thanh niên tiên tiến được đứng vào hàng ngũ của Đoàn và hàng vạn đoàn viên thanh niên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Đội ngũ cán bộ Đoàn ngày càng trở thành nguồn cán bộ trẻ dồi dào của Đảng, chính quyền và đoàn thể ở các cấp", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Thực tế 90 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã luôn chứng tỏ lòng yêu nước vô hạn, trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, trường học xã hội chủ nghĩa, tổ chức hạt nhân chính trị của thanh niên Việt Nam.
Thực tế trên khẳng định, không bao giờ có chuyện “Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã có sự chuyển hướng về suy nghĩ…”, ám chỉ là sự chuyển hướng về chính trị của thanh niên như các thế lực thù địch vẫn rêu rao khi đánh đồng một số gương mặt cơ hội chính trị, những phần tử “thanh niên” phản cách mạng…
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông
Chiều 25-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.
Thông điệp đó một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông, bác bỏ những thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong tháng 4/2021. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử
Tuần qua, các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục đăng tải một số quy định liên quan công tác bầu cử được quy định trong Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND, trong đó nêu rõ các hành vi bị cấm khi vận động bầu cử, bao gồm:
1. Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
2. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
3. Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
4. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
5. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này vận động bầu cử cho người ứng cử.
Từ những quy định trên có thể thấy cơ quan công an đã thực hiện đúng quy định của pháp luật khi bắt giữ và xử lý một số đối tượng tự xưng là“ ứng viên độc lập” sử dụng mạng xã hội để livestream tuyên truyền chống phá, phỉ báng chính quyền nhân dân; kích động các hoạt động bất mãn, chống đối.
Viện trưởng VKSND tối cao: "Vụ Đồng Tâm là điển hình việc thế lực thù địch kích động chống phá"
Trong Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2020 gửi tới Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đánh giá tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là các thế lực thù địch và tổ chức phản động tiếp tục lôi kéo những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, lợi dụng triệt để sơ hở, thiếu sót của cơ quan Nhà nước để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; kích động biểu tình, chống đối, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.
Báo cáo nêu rõ, “điển hình là vụ giết người, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội”.
Các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm tại phiên tòa. Ảnh: thanhnien.vn
Bên cạnh đó, báo cáo cũng dẫn chứng một số vụ lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường ở miền Trung, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt và luật An ninh mạng…, để kích động gây rối, đập phá, hủy hoại tài sản của cơ quan Nhà nước tại một số địa phương, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về chính trị, xã hội.
Xử lý fanpage “Cảnh Sát Hình Sự” giả mạo kênh thông tin của Bộ Công an
Ngày 25-3, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết, qua rà soát phát hiện trang fanpage CẢNH SÁT HÌNH SỰ đưa thông tin là trang thuộc quản lý của Bộ Công an Việt Nam; trên trang đăng tải nhiều thông tin về đời sống, trật tự xã hội, dịch bệnh Covid-19 chưa qua kiểm chứng.
Kết quả xác minh từ Bộ Công an cho biết, trang fanpage trên là giả mạo. Trang Facebook này do một cá nhân tại tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của lực lượng công an nhân dân để tạo lập trang, sử dụng phục vụ nhu cầu cá nhân, đăng tải nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật. Bộ Công an đã đấu tranh làm rõ, yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Fanpage “Cảnh Sát Hình Sự” giả mạo.
Từ sự việc trên, VAFC khuyến cáo: Hiện có hàng trăm fanpage trên facebook về cảnh sát hình sự, do vậy khi tiếp cận thông tin, cộng đồng mạng cần lưu ý trang của tổ chức và trang của cá nhân, nếu phát hiện có tin giả và trang giả mạo thì thông báo ngay về địa chỉ tingia.gov.vn để VAFC thẩm định, công bố, chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật; hoặc qua đầu số 1800 8108 để được hướng dẫn gửi thông tin.
VAFC cũng cho biết, thời gian qua, Facebook đã xóa bỏ hơn 12 triệu bài đăng có nội dung về dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và vaccine ngừa căn bệnh này mà bị giới chuyên gia dán nhãn là thông tin sai lệch.
Bắt khẩn cấp đối tượng dùng mạng xã hội xâm phạm an ninh Quốc gia
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Duy Hướng (SN 1987), trú tại huyện Yên Thành (Nghệ An) để điều tra về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Nguyễn Duy Hướng. Ảnh: nhandan.com.vn
Theo tài liệu của cơ quan an ninh điều tra, từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt giữ, đối tượng Nguyễn Duy Hướng là bác sĩ mở phòng khám tư nhân Duy Nhi tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành đã sử dụng Facebook “Bảo Kiếm” để đăng tải nhiều nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Ngoài ra, Nguyễn Duy Hướng còn lợi dụng những sự kiện nhạy cảm để viết bài, đăng tải, chia sẻ hình ảnh, bài viết có nội dung nói xấu chính quyền, bôi nhọ, xúc phạm hoạt động của cơ quan công quyền, xúc phạm người thực thi nhiệm vụ.
Hành vi của Nguyễn Duy Hướng xâm hại đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ XHCN, phá hoại sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong xã hội, vì vậy, cần phải điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Tại cơ quan ANĐT, Nguyễn Duy Hướng đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Youtuber Lê Chí Thành và sự "nhân danh" trên mạng xã hội
Thời gian qua, Lê Chí Thành (nguyên đại uý công an, công tác tại trại giam Thủ Đức, cục Cảnh sát Quản lý trại giam Bộ Công an) bị kỷ luật. Đúng sai chưa rõ nhưng quá trình khiếu nại Thành đã kèm luôn tố cáo với những chứng cứ không rõ ràng và quy kết.
Nói là hành động vì lý tưởng và đề cao kỷ luật, pháp luật, nhưng Thành giám sát hoạt động của nhân viên công lực bằng cách tạo tình huống đôi co và lên giọng dạy dỗ hạch hỏi, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Cảnh sát Giao thông (CSGT), Cảnh sát trật tự và công an cơ sở.
Nói là hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chống tham nhũng, nhưng Thành tung các livestream đề cao cá nhân và bôi xấu hình ảnh chính quyền.
Xử lý và vạch trần bộ mặt thật của những đối tượng dùng mạng xã hội xâm phạm an ninh quốc gia
Lê Chí Thành ngồi trước đầu xe trong lúc bị CSGT xử phạt. Ảnh: plo.vn
Sau vụ quậy CSGT ở Bình Tân bằng cách nói cảnh sát "lấn chiếm lòng lề đường", Lê Chí Thành lại vi phạm giao thông và tiếp tục quậy ở Hiệp Phú (Quận 9). Thành hô hào mọi người chống tham nhũng, lập ra các FC Lê Chí Thành (fanclub, một dạng câu lạc bộ người hâm mộ). Thành nhận tư vấn pháp lý và khuyên người này người kia biết luật nhưng bản thân anh ta lại xen vào một vụ việc tranh chấp dân sự của hai người ở nhà máy xay gạo. Nói là hỗ trợ pháp lý cho người dân nhưng Thành lại lên mạng xin tiền mọi người, kêu gọi ủng hộ tiền cho mình... thuê luật sư để giải quyết việc riêng.
Qua vụ việc của Thành chúng ta nhận thức rằng, không thể vì giải toả ẩn ức nào đó của mình mà nhân danh chính nghĩa để kéo mọi người vào. Và cũng không nên nhân danh chính nghĩa để ủng hộ sự bươi móc, thêu dệt, cà khịa của ai đó.
Thực hiện đồng bộ giải pháp ngăn nội dung xấu trên mạng xã hội
Trả lời phỏng vấn Báo Sài Gòn Giải phóng về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và tin điện tử (Bộ TT-TT) cho rằng, trước hết, chúng ta đàm phán và yêu cầu những mạng xã hội (MXH) có số lượng người dùng lớn tại Việt Nam gỡ, ngăn chặn như những nội dung vi phạm pháp luật hoặc nội dung xấu độc, nhảm nhí, sai trái.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và tin điện tử (Bộ TT-TT). Ảnh: sggp.org.vn
Bộ TT-TT tham mưu Chính phủ ban hành một số nghị định để bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ hơn, cũng như có chế tài răn đe mạnh hơn về vấn đề quản lý MXH nói riêng và dịch vụ viễn thông, internet nói chung; xử lý nghiêm những người dùng trong nước vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu được rằng bảo vệ môi trường trên MXH cũng chính là giúp cuộc sống chúng ta tốt hơn, an toàn hơn. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành khác để đấu tranh.
Chiều 19-3, Ban Chỉ đạo 35 Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Theo ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo 35 Thành ủy cần tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm các thành viên, thường xuyên nêu cao tinh thần đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo để thực hiện tốt công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Một số bài viết nổi bật về phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên báo chí
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Báo Quân đội nhân dân Điện tử có loạt bài: “Vì sao Việt Nam xác định Việt Tân là tổ chức khủng bố, phản cách mạng?”, vạch trần bản chất và bộ mặt thật của tổ chức khủng bố Việt Tân. Loạt bài được Thư viện quân đội, một số trang báo lớn như: tuyengiao.vn, baocantho.com.vn và một số trang mạng, kênh youtube dẫn đăng lại.
Việt Tân đăng tải bài viết kích động biểu tình. Ảnh: cand.com.vn
Theo bài viết, hiện nay, Việt Tân thường núp dưới vỏ bọc dân chủ, nhân quyền, tổ chức khủng bố Việt Tân thông qua các phương tiện truyền thông thù địch ở nước ngoài và các trang mạng xã hội đang đẩy mạnh nhiều chiến dịch kích động, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, nhằm thực hiện cái gọi là “đấu tranh bất bạo động”, “cách mạng màu” tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân tại Việt Nam. Các cuộc biểu tình phản đối Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình năm 2016, 2017; các cuộc biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt tại Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… năm 2018, đều có bàn tay xúi giục, kích động của Việt Tân.
Vừa qua, cái gọi là tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Việt với mục đích hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky của Hoa Kỳ để trừng phạt “vi phạm nhân quyền” ở Việt Nam. Trong bài “Đừng lợi dụng nhân quyền để "chọc gậy bánh xe", đăng trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử ngày 24-3, tác giả khẳng định, đây là hành động không thể chấp nhận vì đã can thiệp thô bạo, tinh vi vào nội bộ tình hình Việt Nam, tiếp tay cho những thế lực thù địch, chống phá Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Tạp chí Tuyên giáo số ra ngày 22-3 có bài: “Phát huy trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Theo tác giả bài viết, để có thể phát huy được trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần tích cực tuyên truyền; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho thanh niên; có cơ chế, chính sách trong việc huy động thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ảnh minh họa: thanhnien.vn
“Hãy để người dân Việt Nam tự "chấm điểm" cho cuộc sống của mình” là chủ đề bài viết trên báo Công an nhân dân, số ra ngày 22-3, phản đối việc Tổ chức Freedom House tự cho mình cái quyền được "chấm điểm" để xếp hạng về "quyền tự do" ở Việt Nam. Bài báo khẳng định, một tổ chức phi chính phủ hay một quốc gia dù lớn mạnh cỡ nào cũng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và càng không thể gây sức ép với Việt Nam bằng những nhận xét về tình hình tự do, nhân quyền một cách thiếu trách nhiệm. Ở Việt Nam không có cái gọi là "tù nhân lương tâm", không có việc đàn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến, mà chỉ có việc điều tra, xét xử những công dân vi phạm pháp luật.
Vạch trần cái gọi là “gương sáng vì cộng đồng” của Trần Quyết Thắng- một phần tử câu kết chặt chẽ với tổ chức phản động VOICE, Báo Hà Tĩnh số ra ngày 25-3 viết, sau khi được VOICE móc nối đưa sang Philippines đào tạo, lợi dụng sự cố môi trường biển, Trần Quyết Thắng đã móc nối với một số đối tượng phản động nhóm NOUFC Hà Nội, liên kết với một số linh mục tiến hành kích động, biểu tình gây rối nhiều lần tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Đối tượng Trần Quyết Thắng. Ảnh: baohatinh.vn
Trần Quyết Thắng cùng một số đối tượng thường xuyên kích động biểu tình, trực tiếp quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn người dân sau sự cố môi trường biển, lũ lụt trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình. Trên Facebook cá nhân Trần Quyết Thắng thể hiện sự cổ suý cho các vi phạm của các đối tượng trong vụ án tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội cũng như hoạt động biểu tình của giới trẻ Hồng Kông.
Thời gian gần đây, Trần Quyết Thắng kêu gọi và thực hiện dự án phục hồi xe đạp cũ với tên “R4K”, thu hơn 200 triệu đồng tiền ủng hộ và hàng trăm chiếc xe đạp cũ từ khắp cả nước. VOICE rất quan tâm đến dự án này. Một số đối tượng chống đối cũng đã “ngửi mùi”, cổ suý cho các hoạt động dự án mang tính chất “xã hội dân sự” do đối tượng này tiến hành. Từ những hành vi của Trần Quyết Thắng, bài báo khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các dự án của tổ chức phản động VOICE và các thành viên của chúng.
Một số thông tin đáng chú ý trên các trang mạng xã hội
Thời gian qua, một số báo điện tử nước ngoài (BBC, VOA, RFA, RFI,…) và một số trang Web, trang mạng xã hội chống cộng, phi pháp, thiếu thiện ý với Việt Nam trong các bài viết, nói về Việt Nam, thường có cụm từ “tù nhân lương tâm”, nhằm tố cáo “Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền”.
Phản bác quan điểm này, trang Facebook Hương Sen viết: Đây là luận điệu xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền ở những quốc gia có quan điểm, thể chế chính trị không đi theo “tiêu chuẩn nhân quyền” của phương Tây. Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”!
Ở Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nếu ai vi phạm đều bị cơ quan chức năng bắt giữ, điều tra, xử lý theo quy định. Cho nên việc Nhà nước Việt Nam xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật là việc làm theo đúng luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đây cũng là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân, quốc gia dân tộc và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Ảnh: anninhthudo.vn
Phản đối chiêu bài đòi “loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thay đổi cơ chế bầu cử theo hướng tự do như các nước Tư bản chủ nghĩa”, trang Facebook Đất và người Quân khu 3 bình luận: Mưu toan của chúng là cài cắm vào các cơ quan của Quốc hội và HĐND những “mầm mống dân chủ” để từng bước biến nghị trường thành diễn đàn nhằm thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hòng làm ta suy yếu từ bên trong.
Lợi dụng tình hình phức tạp ở Myanmar, các trang tin, tài khoản đội lốt “đấu tranh dân chủ” để công khai kích động bạo loạn tại Việt Nam. Trang nhanquyenvn.org cho rằng, đây là thủ đoạn chống phá về chính trị vô cùng nguy hiểm. Đằng sau những lời lẽ tưởng chừng như thúc đẩy sự phát triển về dân chủ, nhân quyền của đất nước chính là chiếc bẫy để lôi kéo, mua chuộc, kích động người trẻ tham gia vào các hoạt động chống phá đất nước.
Phản bác luận điệu của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí cho rằng “mọi cuộc tụ họp đều trở nên bất hợp pháp”, “mọi quan hệ dân sự đều bị hình sự hóa”, trang Facebook Vững tin theo Đảng viết: Với mục tiêu phát triển con người, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta nhất quán quan điểm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền lập hội.
Vật liệu nổ và hung khí các đối tượng vi phạm pháp luật ở Đồng Tâm dùng để chống đối lực lượng chức năng. Ảnh: TTXVN
Về luận điệu vu khống, chính quyền Việt Nam đã hình sự hóa quan hệ dân sự, hòng bao biện cho những kẻ vi phạm pháp luật trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), tác giả nêu rõ là đây vụ án hình sự nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, đặc biệt là những người đang thi hành công vụ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án đã gây nên sự bất bình, phẫn nộ trong quần chúng nhân dân. Phiên tòa xét xử đảm bảo công minh, nghiêm khắc và tính nhân văn cao, những kẻ phạm tội đã phải cúi đầu và nhận những bản án thích đáng, kết quả xét xử được đa số người dân ủng hộ và đồng tình.
Theo THANH SƠN/qdnd.vn – 26/3/2021
https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/xu-ly-va-vach-tran-bo-mat-that-cua-nhung-doi-tuong-dung-mang-xa-hoi-xam-pham-an-ninh-quoc-gia-655168