Sau 6 tháng hít bóng cười liên tục, mỗi tháng hít 4-5 lần, cô gái Hải Phòng bỗng thấy tê bì, yếu hai chân, không thể đi lại.
Đối với một bộ phận giới trẻ hiện nay, bóng cười không còn là cái tên xa lạ, việc sử dụng bóng cười đã được không ít các bạn trẻ xem như trào lưu, thú vui độc lạ. Tuy nhiên, thú chơi này tiềm ẩn những hiểm họa đối với sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Đó là trường hợp của bệnh nhân T.T.M, (20 tuổi), ở Hải Phòng. Sau khi hít bóng cười kéo dài trong vòng 6 tháng, 1 tháng hít 4-5 lần, cô xuất hiện tê bì, yếu hai chân không thể đi lại nên đã đến khám và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Bệnh nhân đã hồi phục sau điều trị.
Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm máu cơ bản, định lượng vitamin B12 và làm điện cơ. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy nồng độ vitamin B12 giảm, điện cơ thấy tổn thương mất myelin và tổn thương sợi trục chi dưới, hồng cầu giảm.
Theo TS.BS Nguyễn Duy Mạnh, chuyên Khoa Thần Kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm đa dây thần kinh sau sử dụng bóng cười. Đến nay, sau khi điều trị tại Khoa Thần Kinh, các triệu chứng của bệnh nhân đã được cải thiện, đỡ tê bì hai chân và tự đứng lên được.
Trường hợp bệnh nhân trên đã rất may mắn các tổn thương do bóng cười gây ra chưa ở mức nghiêm trọng và có thể hồi phục.
Dinito monoxid (N20) hay còn gọi là khí cười, được bơm vào những quả bóng bay mà giới trẻ gọi với cái tên bóng cười. Khí cười thường được sử dụng trong y học như là một loại thuốc gây mê, an thần, giảm đau, tuy nhiên liều lượng và cách thức sử dụng phải theo chỉ định, BS Mạnh cho biết.
Người sử dụng bóng cười ban đầu sẽ cảm thấy hưng phấn tạm thời, cảm giác lâng lâng, gây tiếng cười sảng khoái nhưng sau sẽ nhanh chóng ức chế thần kinh. Điều đáng sợ bóng cười cũng có thể gây ảo giác, có dấu hiệu tương tự như ma túy tổng hợp và cũng gây nghiện. Nếu sử dụng thường xuyên nó có thể gây ra những rối loạn như: tổn thương thần kinh ngoại biên, cảm giác châm chích ở đầu các chi, đi lại loạng choạng, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến chu trình chuyển hóa vitamin B12, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, suy tủy, giảm khả năng sinh sản… Thậm chí, quá liều gây nguy hiểm như ngạt thở, tê liệt tay chân, trầm cảm thậm chí có nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhập viện chủ yếu là giới trẻ, thường gặp ngộ độc cấp tính do dùng quá liều hoặc dùng nhiều lần gây tổn thương thần kinh não, tủy sống, trầm cảm, tê yếu cơ, thiếu máu,…
Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt giới trẻ không nên sử dụng bóng cười vì những tác hại của nó.
Theo Hà An/dantri.com.vn - 30/3/2021
https://dantri.com.vn/suc-khoe/ham-hit-bong-cuoi-co-gai-20-tuoi-khong-di-lai-duoc-20210330094009600.htm