Mắc viêm khớp và viêm gan B, bệnh nhân này hễ nghe ở đâu có thuốc nam hay lại tìm mua, kể cả qua truyền miệng lẫn những quảng cáo trên mạng.
Bà N.T.Đ., 73 tuổi, có địa chỉ tại Hà Nam được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng mê man, suy hô hấp.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định, bà Đ. bị suy gan, suy thận nặng.
Đáng chú ý, khi khai thác bệnh sử, phía gia đình cho biết, bà Đ. mắc viêm gan B và viêm đa khớp nhiều năm nay. Mặc dù vẫn đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, thế nhưng hễ nghe chỗ nào có loại thuốc nam "chữa bệnh hay" là bà Đ. lại tìm mua để sử dụng thêm.
Theo tìm hiểu, bà Đ. đã có một thời gian dài chữa bệnh bằng thuốc nam và sử dụng qua nhiều loại thuốc, có loại được hàng xóm mách bảo, có loại lại mua qua các quảng cáo trên mạng.
Bà Đ. đang được điều trị tại khoa Cấp cứu.
Về trường hợp của bà Đ., BS Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu chia sẻ: "Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, chúng tôi hướng nhiều tới chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc nam".
Sau khi nhập viện, bà Đ. đã ngay lập tức được các bác sĩ tiến hành hỗ trợ thuốc để ổn định chức năng gan, thận. Nếu tình trạng suy thận của bà Đ. tiến triển nặng hơn phải xem xét lọc máu.
Bên cạnh cấp cứu ngộ độc thuốc nam, bà Đ. cũng được điều trị bệnh nền viêm khớp, viêm gan B cho bệnh nhân. Đến hiện tại tình trạng của bà Đ. vẫn tiến triển chưa nhiều.
Đáng chú ý, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Trung bình, mỗi tháng tiếp nhận khoảng 20 trường hợp, hầu hết các bệnh nhân đều bị suy gan, suy thận.
Điển hình là trường hợp một phụ nữ trẻ mới đây nhập viện trong tình trạng men gan tăng gấp nhiều lần vì uống thuốc nam để sinh con trai, hay trường hợp người đàn ông từ viêm gan diễn tiến thành ung thư gan vì tin tưởng vào thuốc nam của một "thần y truyền miệng".
Một bệnh nhân viêm gan B diễn tiến thành ung thư gan vì tin tưởng vào "thần y truyền miệng".
Trong khi đó thời gian vừa qua, các quảng cáo về các bài thuốc nam "gia truyền 3 đời" liên tục bủa vây mạng xã hội. Đặc điểm chung của các bài thuốc này là đều mập mờ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần và được thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng dễ dàng "sa bẫy".
BS Nam nhận định, các loại thuốc nam gia truyền từ xưa có tác dụng rất tốt trong điều trị bệnh nhưng yếu tố tiên quyết là có xuất xứ rõ ràng, được kê bởi các cơ sở chính thống được Bộ Y tế cấp phép.
Ngược lại, các cơ sở lang băm, không đáng tin cậy rất có thể sẽ trộn thêm các chất khác từ tây y, thậm chí là các chất bị Bộ Y tế cấm sử dụng. Nguyên do là bởi các chất này mang đến tác dụng giảm đau, tác dụng bề ngoài rất nhanh, khiến người dùng thêm tin tưởng.
"Có thể các cơ sở này sẽ trộn corticoid với liều cao vào bài thuốc nam. Mặc dù corticoid là thuốc giảm đau, kháng viêm phổ biến có thể giúp bệnh nhân viêm khớp giảm triệu chứng đau rất nhanh nhưng hậu quả lâu dài hết sức nặng nề", BS Nam chia sẻ.
Theo phân tích của chuyên gia này, nếu kéo dài việc sử dụng corticoid liều cao sẽ gây tổn thương gan, thận rất nhanh. Tình trạng suy thận ngày càng nặng sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, có thể gây tử vong.
Từ thực trạng này, BS Nam khuyến cáo khi mắc bệnh, người dân nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, để được chẩn đoán và điều trị bệnh đúng phương pháp. Tránh tin vào các bài thuốc, các vị thần y được truyền miệng để rồi nhận hậu quả "tiền mất, tật mang".
Theo Minh Nhật/dantri.com.vn - 2/4/2021
https://dantri.com.vn/suc-khoe/them-nan-nhan-suy-gan-vi-tin-vao-thuoc-gia-truyen-cua-than-y-mang-20210401211143389.htm