LTS: Báo Quân đội nhân dân (QĐND) từ ngày 29 đến 31-3 đã đăng vệt bài “Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử” ở chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”. Sau khi báo đăng, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, cán bộ quân đội và đông đảo bạn đọc.
Các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với những vấn đề đặt ra trong các bài viết và đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục đấu tranh với các mưu đồ, luận điệu sai trái để ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới thực sự là ngày hội của toàn dân.
TS Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV:
Dân chủ phải trong khuôn khổ của pháp luật
Vệt bài “Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử” đăng trên Báo QĐND bằng những lập luận chặt chẽ, luận cứ rõ ràng, lý lẽ sắc bén đã giúp trang bị cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là những người làm công tác tư tưởng những lý luận, những nguyên tắc và triết lý để bảo vệ đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các bài viết đã vạch trần, chỉ ra đúng, trúng những âm mưu, ý đồ xấu của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin cũng như lý lẽ cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang tiến hành một cách dân chủ, đúng theo Hiến pháp. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng ngày bầu cử sẽ là ngày hội lớn của toàn dân.
Vệt bài cũng đã nêu lại Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Từ khi thành lập Đảng (năm 1930) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc, lãnh đạo đất nước qua những thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập, hòa bình, thống nhất, đổi mới, hội nhập. Nước ta có cơ đồ, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay không thể không kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của Đảng. Trong lịch sử hơn 90 năm qua, hình ảnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và những tấm gương của đảng viên, đặc biệt là tấm gương đạo đức, tác phong và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành hình ảnh được toàn dân yêu quý và tin tưởng. Những luận điệu xuyên tạc Đảng đứng trên Quốc hội, đứng trên Hiến pháp là hoàn toàn xằng bậy. Trong Điều 4 của Hiến pháp đã hiến định: Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội theo pháp luật. Các đảng viên là ĐBQH có quyền tự do dân chủ trong khuôn khổ pháp luật, có quyền biểu quyết tán thành hoặc không tán thành những dự án luật, chủ trương, chính sách, những vấn đề mà Quốc hội xin ý kiến.
Ảnh minh họa/mattran.org.vn/
Đảng và Nhà nước ta tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền dân chủ, đây là quyền bình đẳng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng tận dụng được dân chủ vì phải có trình độ nhận thức, năng lực để thực hành dân chủ. Để thực hiện đúng, đủ quyền dân chủ là một quá trình chứ không phải nói đến dân chủ thì muốn làm gì cũng được. Dân chủ phải tuân theo pháp luật, kỷ cương và sự tôn trọng lợi ích quốc gia, đặt lợi ích của mình trong tổng thể. Vì vậy, mỗi người dân phải học tập, rèn luyện, hiểu và thực hiện dân chủ theo khuôn khổ của pháp luật chứ không phải dân chủ quá trớn hay dân chủ vô chính phủ.
---------
Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương, đại biểu Quốc hội khóa XIII:
Cánh cửa của Quốc hội luôn rộng mở với những người tự ứng cử
Đúng như Báo QĐND đã khẳng định trong vệt bài “Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử”, ứng cử ĐBQH là quyền của mỗi công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật. Công dân nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì đều được ứng cử.
Cuối năm 2010, nhân dịp khánh thành một số công trình do Tập đoàn Thái Bình Dương tài trợ cho quê hương Nghệ An, tôi đã mời một số đồng đội và bạn bè thân hữu về dự. Trong lúc giao lưu, nhiều người đã đề nghị tôi nên ứng cử vào Quốc hội khóa XIII để có thể đóng góp cho cộng đồng được nhiều hơn. Sau đó, trở về Hà Nội, tôi đã đến gặp thủ trưởng cũ của mình là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để xin ý kiến của ông. Ông đã động viên tôi nên ứng cử vào Quốc hội để góp thêm tiếng nói của người cựu chiến binh. Trước khi hết hạn ứng cử hai ngày, tôi đã kịp thời làm thủ tục nộp hồ sơ vào Ủy ban Bầu cử tỉnh Nghệ An. Tỉnh Nghệ An đã tạo thuận lợi cho tôi hoàn tất các thủ tục và tổ chức lấy kiến cử tri nơi tôi cư trú.
Tôi được phân công về Đơn vị Bầu cử số 3, gồm hai huyện Quỳnh Lưu và Yên Thành. Trong tổ ứng cử, tôi là “lính mới”, trong khi đó, các ứng cử viên còn lại toàn là những người từng tham gia Quốc hội khóa trước và đã có nhiều năm hoạt động tại nghị trường.
Trong quá trình vận động bầu cử, tôi đã tự tin trình bày rõ chương trình hành động của mình. Cuối cùng, với cam kết rõ ràng và sự chân thành, cầu thị, tôi đã nhận được sự ủng hộ và tín nhiệm của các cử tri và trúng cử vào Quốc hội khóa XIII, đồng thời được bầu làm thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Với cương vị là người đại biểu dân cử, tôi đã có cơ hội nói lên tiếng nói của cử tri, của cựu chiến binh và cộng đồng doanh nghiệp, thông qua việc chất vấn, tham gia phát biểu trong các phiên thảo luận và các buổi tiếp xúc cử tri. Qua 11 kỳ họp, tôi đã có nhiều lượt phát biểu, chất vấn trực tiếp hoặc bằng văn bản. Cùng với nhiều ý kiến của các đại biểu khác, những đóng góp của tôi đã được ghi nhận tại một số điều khoản của các dự án luật đã được thông qua như: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Bộ luật Lao động và các chương trình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kinh tế biển, tái cấu trúc nền kinh tế...
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, thay mặt cử tri thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội trên 3 lĩnh vực chính là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cánh cửa của Quốc hội luôn rộng mở với những người tự ứng cử. Tôi tin rằng, với sự chân thành và cầu thị, đặc biệt là với những cam kết rõ ràng về chương trình hành động, những người ứng cử nói chung và những người tự ứng cử nói riêng sẽ nhận được sự ủng hộ của các cử tri. Điều này trái với một số luận điệu xuyên tạc cho rằng, ở Việt Nam không có “cửa” cho những người tự ứng cử vào Quốc hội.
----------
Đại tá, Ths Hoàng Văn Chức, Phó chính ủy Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội:
Nhận diện rõ ý đồ của các phần tử cơ hội, thù địch
Tôi thường xuyên đọc Báo QĐND. Đây là tờ báo có nhiều bài viết sắc sảo về các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các bài chính luận. Các chuyên mục của Báo QĐND đều có chất lượng tốt, cập nhật kịp thời những thông tin mới cho bạn đọc. Trong đó, chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” có ý nghĩa thiết thực, vạch trần âm mưu, thủ đoạn, với những chiêu trò lừa bịp, gian lận, đánh tráo “đỏ”-“đen” của các thế lực thù địch.
Đặc biệt gần đây, Báo QĐND đã đăng vệt bài “Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử”. Tôi đọc nhiều lần các bài viết này, thấy rằng Báo QĐND đã rất nhạy bén nhận rõ ý đồ của các phần tử cơ hội, thù địch, muốn lợi dụng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước để tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại, gây hoang mang, dao động trong nhân dân. Với ngòi bút sắc sảo, các tác giả viết vệt bài đã đánh trực diện, vạch rõ bản chất đen tối, xấu độc của các phần tử lật lọng, xảo trá, cố tình không hiểu nguyên tắc, quy định của Hiến pháp, pháp luật đối với quá trình ứng cử, bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Các tác giả cũng chỉ rõ bộ mặt thật của những kẻ có giọng điệu nhố nhăng, lừa bịp trên các trang mạng xã hội, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, dân tộc.
Thủ pháp đặt tên các bài viết rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện tính chiến đấu cao: Bài 1: “Mưu đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội”; Bài 2: “Thủ đoạn “ăn vạ” phía sau chiêu trò tự ứng cử”; Bài 3: “Không thể phá được ngày hội của toàn dân”. Cách đặt vấn đề và phân tích chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của những phần tử phá rối, chống đối rất rõ ràng; có bài mượn câu chuyện “kẻ đốt đền” Herostratus để chỉ mặt những người có tư tưởng chống đối. Phương pháp bút chiến ấy đã cuốn hút người đọc, dễ nhận ra chân tướng của những kẻ hận thù, phản bội Tổ quốc và nhân dân.
Có thể nói các bài viết trong vệt bài “Vạch trần chiêu trò “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử” thiết thực góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời thông qua các bài viết, các tác giả đã tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho bạn đọc về ý nghĩa trọng đại của cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
----------
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Tân Hưng (Hải Dương):
Cần xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, phá hoại cuộc bầu cử
Đọc vệt bài “Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử” của Báo QĐND, tôi càng hiểu rõ hơn những chiêu trò, luận điệu quy chụp của các đối tượng thù địch hòng bóp méo sự thật về công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp của nước ta.
Ba bài viết đã nêu bật được quan điểm bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của mỗi công dân Việt Nam. Nhân dân luôn có vai trò to lớn trong mọi khâu, mọi quy trình bầu cử. Các bài viết đã nêu ra những dẫn chứng để khẳng định từ chủ trương, chính sách của Đảng đến Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đều khuyến khích người có đức, có tài tự ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND để góp sức xây dựng đất nước.
Tôi cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp theo quy định hiện hành là chặt chẽ, phù hợp với thực tế nhằm tạo điều kiện cho cử tri được phát huy quyền đóng góp ý kiến, lựa chọn đại biểu đủ tiêu chuẩn để ứng cử. Nói như vậy để thấy, không phải ai tự giới thiệu mình đủ đức, đủ tài ra gánh vác công việc chung của đất nước là đủ tiêu chuẩn vượt qua các vòng hiệp thương, mà quan trọng là phải được quần chúng nhân dân xem xét, đánh giá và tín nhiệm.
Hiện nay, công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước triển khai tích cực. Đây cũng là thời điểm mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thực hiện nhiều hoạt động chống phá quyết liệt, đặc biệt là chiêu trò lợi dụng mạng xã hội để tung ra các luận điệu xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử... Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo trước chiêu trò tung tin sai sự thật, xuyên tạc. Các cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc bầu cử. Công khai kết quả xử lý trên báo chí truyền thông để tạo sức răn đe, giáo dục.
----------
Đại úy QNCN Lê Tiến Chung, Trạm trưởng Trạm 6, Trung tâm Quản lý đường vận tải mỏ, Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng):
Cảnh giác trước những chiêu trò chống phá bầu cử trên mạng xã hội
Theo dõi vệt bài “Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử” trên Báo QĐND, tôi rất tâm đắc và ủng hộ những lý lẽ mà nhóm tác giả đưa ra.
Quan điểm cho rằng, chỉ có người ngoài Đảng mới đại diện tốt cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, còn ĐBQH là đảng viên không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân là hoàn toàn sai trái. Bởi vì, bản chất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là cầm quyền vì lợi ích của nhân dân, đại diện cho lợi ích của nhân dân, cầm quyền theo pháp luật. Lịch sử đã chứng minh rằng, từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn làm tròn vai trò, sứ mệnh mà nhân dân giao phó.
Kỳ thực, việc các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá Đảng, Nhà nước không phải là vấn đề mới và càng gần đến ngày diễn ra bầu cử thì tần suất, mức độ của sự chống phá càng gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu cùng khả năng tiếp cận thông tin của người dân hiện nay ngày càng cao cũng như rất đa dạng về thành phần, lứa tuổi. Lợi dụng điều này, các tổ chức phản động, các đối tượng bất mãn, các thế lực thù địch đã sử dụng các phương tiện truyền thông từ truyền thống tới hiện đại, đặc biệt là các mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật, hòng gây hiểu lầm, hoài nghi trong đội ngũ cán bộ, nhân dân về bản chất và phương thức tiến hành bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp ở nước ta. Thủ đoạn của chúng ngày một tinh vi, xảo quyệt, từ những chiêu trò truyền thông dưới vỏ bọc “thư ngỏ”, “góp ý, kiến nghị của cử tri tới Đảng, Quốc hội”... đến thủ đoạn “rạch mặt ăn vạ” mà Báo QĐND đã nêu.
Do đó, nhằm góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp thì đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, và nhân dân cả nước phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo cũng như chủ động đấu tranh với những chiêu trò phá hoại của các thế lực thù địch cả trước và sau bầu cử, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Theo qdnd.vn – 5/4/2021
https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/kien-quyet-dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-xuyen-tac-ve-bau-cu-655994