Cập nhật: 24/04/2021 08:22:00
Xem cỡ chữ

Với người Khùa (dân tộc Bru - Vân Kiều) ở hai xã Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), đan lát mây, tre không chỉ là nghề thủ công truyền thống để mưu sinh mà còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo. Cuộc sống hiện tại với nhiều vật dụng mới đã len lỏi khắp các bản làng người Khùa dưới chân dãy núi Giăng Màn, nhưng đồng bào vẫn gìn giữ và trao truyền nghề đan lát truyền thống.

* Vợ chồng già Hồ Xây, bản Rôông, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) và các sản phẩm mây, tre đan.

Sính lễ đặc biệt... 

Sống dưới chân dãy núi Giăng Màn hùng vĩ, người Khùa vẫn gìn giữ nghề đan lát mây, tre với các sản phẩm đặc trưng như: cu tôốc (mâm cơm), a chói (gùi), cà nhăng (gùi nhỏ), típ (giỏ nhỏ đựng cơm), cù pá (giỏ đựng cá)… Theo các già làng người Khùa, những sản phẩm đan lát thủ công này không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày mà còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo, thậm chí là “linh hồn” của cả tộc người. Nhiều sản phẩm trở thành lễ vật không thể thiếu trong các dịp cúng tế, cưới hỏi…, nên được đồng bào coi như những “linh vật” của bản. Già làng Hồ Liêu ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa kể rằng, tại lễ cưới của người Khùa, trong các sính vật mà nhà trai đưa đến nhà gái có ba sản phẩm của nghề đan lát gồm cu tôốc, cà nhăng, típ. Trong đó, cu tôốc là một lễ vật bắt buộc. Vì thế ngày xưa, bất kể chàng trai người Khùa nào cũng được ông cha họ truyền dạy nghề đan lát. Biết đan hoàn chỉnh một chiếc cu tôốc là cách những chàng trai người Khùa thể hiện sự tài hoa, khéo tay của mình trước các thiếu nữ trong bản.

Để đan được chiếc cu tôốc theo tiêu chuẩn của người Khùa, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của người đan lát giỏi và phải trải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu đan cu tôốc phải là những cây tre, nứa có độ tuổi từ ba năm trở lên. Tre, nứa chặt ở rừng về được ngâm nước ở các khe suối một thời gian cho lên màu, chống mối mọt; sau đó vớt lên để khô rồi chẻ, vót thành từng sợi nan để đan. Ngoài tre, nứa, người Khùa còn phải chọn những cây mây thẳng, tròn đều, không sâu bệnh để đan thành sản phẩm. Bởi thế, khai thác đủ nguyên liệu để đan một cu tôốc, có khi người Khùa phải mất cả tuần đi rừng. Già làng Hồ Liêu chia sẻ, muốn có những chiếc cu tôốc đẹp, quan trọng nhất là kỹ thuật vót tre, mây phải mảnh đều, mềm mại. Với người Khùa, chiếc cu tôốc gồm hai phần thân và đế. Tùy theo tính chất sử dụng mà người Khùa làm ra những chiếc cu tôốc to hay nhỏ, cũng như độ nông, sâu của bề mặt chiếc mâm đan bằng mây, tre cho phù hợp. 

Từ lời giới thiệu của già làng Hồ Liêu, chúng tôi đến bản Rôông, xã Trọng Hóa để gặp ông Hồ Xây, năm nay 78 tuổi, được xem là một trong những người đan lát giỏi nhất trong vùng. Ông Hồ Xây vừa từ rẫy trở về và rất vui khi nghe chúng tôi tìm hiểu về nghề đan lát mà cả đời ông gắn bó. Ngay trước hiên nhà sàn, chỉ một thoáng, già Hồ Xây đã bày biện ra đủ thứ của nghề đan lát, vừa làm, ông vừa rôm rả trò chuyện với chúng tôi. “Không biết cái nghề này xuất hiện từ bao giờ, nhưng người Khùa đã gắn bó bao đời nay rồi. Cứ cha truyền con nối, đời trước dạy cho đời sau. Bản thân tôi biết đan lát từ khi lên 10 nhưng thành nghề là từ năm 20 tuổi, sau khi lập gia đình. Từ đó đến nay, nghề đan lát đã gắn bó máu thịt, đến nỗi nhắm mắt tôi cũng có thể đan đẹp. Lâu không đan cũng nhớ nghề, nên tôi lên rừng lấy mây, tre về đan cu tôốc, a chói rồi cho con cháu, dân bản”- ông Hồ Xây chia sẻ. 

Theo ông Hồ Xây, người Khùa hầu như ai cũng biết đan lát, xem đó là nghề truyền thống và là niềm tự hào của tộc người, bản làng mình. Ngày trước, nếu con trai người Khùa không biết đan lát, không đan được chiếc cu tôốc làm sính lễ khi đi cưới vợ thì buồn lắm. Vì vậy, hằng năm, cứ hết mùa rẫy, đàn ông người Khùa lại đi rừng tìm mây, tre, nứa để đan lát. Theo người thợ đan lão làng Hồ Xây, kỹ thuật đan lát của người Khùa không khác mấy so với kiểu đan của người Kinh, nhưng về hoa văn thì có nhiều điểm khác biệt do quan niệm về tín ngưỡng và thiên nhiên khác nhau. Một cụm hoa văn được trang trí trên chiếc cu tôốc vừa có ý nghĩa thẩm mỹ, vừa mang dấu ấn tín ngưỡng của người Khùa. Đó là tục thờ thần linh và mong muốn các vị thần giúp cho con người sinh sống yên bình, cho vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt. Sản phẩm đan xong, người Khùa chưa sử dụng ngay mà treo lên gác bếp để hun khói. Khói bếp làm cho những sản phẩm này ngả sang mầu nâu đậm hoặc vàng mật rất đẹp, đồng thời nâng cao khả năng chống mọt. Những cu tôốc, cà nhăng… vì thế có thời gian sử dụng rất dài, thậm chí chúng còn như là thứ hồi môn cho con cái khi lập gia đình, ra ở riêng. 

Dù cho nghề đan lát mất nhiều thời gian, thu nhập không bằng những nghề khác, song già Liêu, già Xây và nhiều người khác ở dưới chân núi Giăng Màn vẫn luôn tâm huyết và quyết tâm phát triển nghề để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, quê hương mình. Đáng mừng là nhiều thanh niên trẻ ở các bản người Khùa nhờ hiểu được giá trị và ý nghĩa của các vật dụng tạo ra từ nghệ thuật đan của dân tộc mình, nên vẫn giữ niềm đam mê với nghề thủ công này. Các sản phẩm họ tạo ra không chỉ dùng ở bản làng mà đã được mang về xuôi, đến với những miền xa.
 
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, Hồ Thị Thoi chia sẻ, những già làng không chỉ là người thợ đan lão luyện của bản mà còn như những người giữ “lửa” nghề đan lát, giữ nét văn hóa truyền thống của cộng đồng mình. Trải qua năm tháng, bằng sự đam mê, tâm huyết của mình, họ cùng con cháu tạo ra các sản phẩm thủ công tinh tế, vừa giúp ích cho cuộc sống vừa giữ gìn, bảo tồn truyền thống mà tổ tiên để lại. Tuy nhiên, để người dân sống được bằng nghề đan lát, rất cần các doanh nghiệp, cơ quan hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi nhằm góp phần bảo tồn và phát triển nghề đan lát mây, tre truyền thống.  

Hướng đến sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, Đinh Văn Lĩnh cho biết, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn còn giữ được nhiều nét văn hóa, phong tục độc đáo, trong đó nghề đan lát của người Khùa là một minh chứng. Thời gian và công sức để tạo ra một vật dụng đan lát đối với người Khùa là khá nhiều nên sản phẩm rất tinh xảo, bền chắc. Tất cả các công đoạn làm thủ công, nên sản phẩm đều mang giá trị độc đáo riêng có. Minh Hóa là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, khám phá hang động. Lễ hội rằm tháng 3 hằng năm thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm và thưởng lãm đặc sản của vùng đất từng là căn cứ của vua Hàm Nghi. Tại đây, du khách được trải nghiệm nghề đan lát của người Khùa và mang theo về những sản phẩm truyền thống là các vật dụng trong gia đình bằng mây, tre đan tuyệt đẹp. “Chúng tôi đang hướng dẫn địa phương lập đề án, tổ chức lại sản xuất cho người dân để chủ động nguyên liệu và tăng năng suất, tạo thành sản phẩm trong chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm. Từ đó, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân…” - đồng chí Đinh Văn Lĩnh chia sẻ.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý du lịch địa phương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, Đặng Đông Hà nhìn nhận, chương trình OCOP ở các xã đang ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống chất lượng cao phục vụ rất tốt cho du lịch. Đây là những sản phẩm lưu giữ nét độc đáo của vùng đất mà du khách đến và mang theo về. Vật dụng mây tre đan do người Khùa tạo ra cũng là một trong số các sản phẩm lưu niệm đặc trưng đó. Sở Du lịch đã có hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch kết nối, lựa chọn những sản phẩm lưu niệm tiêu biểu để giới thiệu với du khách. Hơn thế, doanh nghiệp du lịch cần tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất của người dân để nâng cao chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, chứ không chỉ là các vật dụng đẹp. 

Là doanh nghiệp du lịch đi đầu trong lĩnh vực tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Bru - Vân Kiều dưới chân dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Bình, anh Trần Xuân Cương và Công ty du lịch Nettin đang hướng đến việc giới thiệu các sản phẩm độc đáo, đặc trưng của người dân đến với du khách. Anh cho biết, các sản phẩm mây tre đan của người Khùa vốn đã tinh xảo nay được thổi hồn thêm bằng các câu chuyện, truyền thuyết của tộc người dưới dãy núi Trường Sơn nữa chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của du khách khi đến khám phá Quảng Bình. Công ty du lịch Nettin hy vọng chính quyền địa phương sớm lập đề án sản xuất để tạo thương hiệu cho sản phẩm, còn đơn vị sẽ đặt hàng theo những mẫu mà khách ưa chuộng để giúp người dân có thêm thu nhập và giữ nghề. 

Xã hội ngày càng phát triển, máy móc cùng lúc có thể sản xuất ra hàng loạt sản phẩm đa dạng về mẫu mã, loại hình song ở khía cạnh truyền thống nó không thể so sánh với những mặt hàng thủ công mộc mạc, tinh tế, bởi cái hồn cốt của dân tộc, bản làng ẩn chứa trong từng sản phẩm. Giờ đây, dù nhiều vật dụng bằng nhựa, kim loại đã hiện diện trong mỗi gia đình ở bản làng người Khùa, nhưng người dân vẫn rất ưa chuộng các sản phẩm đan lát truyền thống.  Những sản phẩm ấy không chỉ có giá trị sử dụng, mà còn mang tính thẩm mỹ và các giá trị về văn hóa, tâm linh của đồng bào. Vì thế, người Khùa ở miền tây Quảng Bình hiện nay vẫn luôn ý thức gìn giữ nghề đan lát truyền thống của mình dù phía trước còn không ít khó khăn.

Giữ nghề đan mây, tre dưới chân núi Giăng Màn -0

* Một nghệ nhân giới thiệu sản phẩm mây, tre của mình  với khách (ảnh dưới).

Theo Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG/nhandan.com.vn - Ngày 24/4/2021

 https://nhandan.com.vn/di-san/giu-nghe-dan-may-tre-duoi-chan-nui-giang-man-643208/