Cập nhật: 29/04/2021 14:28:00
Xem cỡ chữ

Chỉ sau 5 tháng thành lập, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 5.000 bệnh nhân đột quỵ. Mỗi ngày, số bệnh nhân phải nhập viện vì căn bệnh nguy hiểm này là hơn 30 người, 70% đến viện muộn.

Mỗi tháng, 1.000 bệnh nhân đột quỵ

Thông tin trên được PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại Hội nghị Khoa học chuyên đề Đột quỵ và Trao chứng nhận kim cương của Tổ chức đột quỵ thế giới cho Bệnh viện Bạch Mai, diễn ra sáng 29/4.

Mỗi tháng 1.000 bệnh nhân đột quỵ nhập viện, cảnh báo nhiều người trẻ - 1

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

PGS Tôn cho biết, trong 5 tháng, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ lên đến 5.000 trường hợp. Đáng nói, chỉ 30% trong số này đến viện trong thời gian vàng điều trị (từ khi có triệu chứng đến 4,5 giờ, muộn nhất là 6 giờ). Còn lại, 70% bệnh nhân đến viện muộn khi đã qua giai đoạn vàng.

"Chúng tôi nỗ lực điều trị toàn diện tất cả những ca đột quỵ nhập viện, bao gồm cả người trưởng thành, trẻ em. Trong một tuần qua, trung tâm tiếp nhận 3 trẻ em (hai bệnh nhi 12 tuổi, một bệnh nhi 9 tuổi) đột quỵ", PGS Tôn nói.

Ca 9 tuổi là bệnh nhân nữ ở Hà Nam. Khi đang đi học, bé đột ngột yếu tê bì nửa người bên trái, được đưa vào viện tỉnh cấp cứu. Kết quả chụp cắt lớp vi tính chưa phát hiện tổn thương, nhưng qua hội chẩn, đánh giá với Trung tâm Đột quỵ, nghĩ đến nguy cơ này nên đã chuyển lên Trung tâm. Kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện nhồi máu não.

"Bệnh nhân được điều trị, phục hồi tốt, tìm nguyên nhân nhưng không phát hiện nguyên nhân bất thường. Em bé phát triển hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh, gia đình cũng không có tiền sử", PGS Tôn nói.

Một ca bệnh khác, bé gái 12 tuổi ở Phú Thọ được đưa đến viện muộn, sau 12 tiếng vì triệu chứng không rõ ràng. Bệnh nhi đột ngột nhìn mờ, được đưa vào Trung tâm, chẩn đoán phình thông động tĩnh mạch.

"Trường hợp này rất may phát hiện có bất thường dị dạng mạch từ trước, sau khi hội chẩn với phẫu thuật thần kinh đã tiến hành kẹp được túi phình, lấy được máu tụ, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn", PGS Tôn thông tin.

Trường hợp còn lại là bé trai 12 tuổi ở Hà Nội. Khi đang đi học bệnh nhân đau đầu, không nhấc được tay phải lên. Bệnh nhân vào viện sau 6 tiếng nên đã qua thời gian vàng, chỉ định điều trị nội khoa. Bệnh nhi được chẩn đoán có yếu tố tăng đông máu, nhưng may mắn cũng hồi phục tốt.

Theo PGS Tôn, trong số bệnh nhân đột quỵ nhập viện, khoảng 10% là người trẻ (dưới 45 tuổi). Ở nhóm bệnh nhân này, hầu hết người trẻ chủ quan không nghĩ đến đột quỵ mà nghĩ đến bệnh lý khác, nên dễ bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh.

Theo PGS Tôn, hiện việc điều trị đột quỵ tại Trung tâm đã tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, với các phương pháp điều trị mới, thuốc mới được cập nhật.

Mỗi tháng 1.000 bệnh nhân đột quỵ nhập viện, cảnh báo nhiều người trẻ - 2

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Với phương châm "thời gian là não", việc điều trị người bệnh đột quỵ cần tiến hành nhanh chóng tối đa, bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt là tiến hành tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu. Đồng thời, người bệnh cần được phối hợp với các chuyên khoa khác như Chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, Phẫu thuật thần kinh để phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh chảy máu não, chảy máu dưới nhện, nhồi máu diện rộng... Bệnh nhân đột quỵ nặng cũng cần được hồi sức thần kinh, thực hiện các thủ thuật cấp cứu tại giường, tập luyện phục hồi chức năng sớm tại giường ngay giai đoạn cấp. Các chiến lược giáo dục, dự phòng tái phát đối với người bệnh cũng rất quan trọng. 

Mỗi tháng 1.000 bệnh nhân đột quỵ nhập viện, cảnh báo nhiều người trẻ - 3

Với những thành quả trong cấp cứu, điều trị đột quỵ, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) được trao Chứng nhận Kim cương - Tiêu chuẩn chất lượng cao nhất của Tổ chức Đột quỵ Thế giới dành cho các Trung tâm Đột quỵ.

Nhập viện ngay khi có 3 dấu hiệu sau

PGS Tôn cho biết, hiện còn 70% bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong tình trạng rất nặng nề qua giờ vàng của can thiệp, do người dân không có thói quen đi cấp cứu khi có dấu hiệu ban đầu.

"Bởi khi mới đột quỵ biểu hiện nhẹ nên người bệnh chủ quan chờ xem có hồi phục không hoặc dùng thuốc theo tuyên truyền. Đến khi nặng lên, đưa đến viện đã qua giai đoạn tối ưu để điều trị", PGS Tôn nói.

Vì thế, chuyên gia khuyến cáo, khi một bệnh nhân nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ, người chứng kiến cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên sâu có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất.

Hãy kiểm tra, quan sát để phát hiện 3 dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đột quỵ như sau:

Hãy yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản. Nếu bệnh nhân nói không lưu loát, đó là dấu hiệu bất thường.

Quan sát xem miệng bệnh nhân có bị mất cân đối, hoặc xệ một bên miệng.

Yêu cầu bệnh nhân giơ đều hai tay lên cao, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường.

"Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất", PGS Tôn khuyến cáo.

Với trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, nếu ở trong gia đình có bố mẹ đột quỵ do căn nguyên phình mạch máu, phình thông động tĩnh mạch, gia đình có tiền sử bệnh nền gan thận đa nang nên tầm soát hình ảnh mạch máu để phát hiện bất thường liên quan đến di truyền, phát hiện bệnh lý tăng tỉ lệ phình mạch. Còn khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như đột ngột nhìn mờ, yếu một bên tay chân... cần nhanh chóng đưa trẻ đến viện để được can thiệp, xử lý kịp thời.

Theo Hồng Hải/dantri.com.vn – 29/4/2021

https://dantri.com.vn/suc-khoe/moi-thang-1000-benh-nhan-dot-quy-nhap-vien-canh-bao-nhieu-nguoi-tre-20210429112954240.htm