Cập nhật: 06/05/2021 16:49:00
Xem cỡ chữ

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm (1922 – 2022), 11 năm ngày mất của nhà thơ (6-5-2010 – 6-5-2021), gia đình nhà thơ xây dựng dự án “Hoàng Cầm 100” (viết tắt là HC100), với chuỗi sự kiện và sản phẩm nghệ thuật, khởi động từ năm nay.

Nhà thơ Hoàng Cầm. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Bà Bùi Huệ Chi (cháu nội của nhà thơ) cho biết: “Đi dạo trong kho tàng hơn 70 năm thơ, kịch thơ, truyện ngắn, tác phẩm và 100 năm cuộc đời của nhà thơ Hoàng Cầm, chúng tôi đi tìm kiếm chất liệu cho Hoàng Cầm 100 năm (viết tắt là HC100). Ước nguyện của chúng tôi là tìm những chất liệu văn học phù hợp và hình thức thể hiện đương đại, nhằm chia sẻ về một dự án HC100 theo lăng kính của những người trưởng thành yêu văn chương, đồng thời tìm hướng đi khác trong tôn vinh nghệ thuật – văn hóa xứ Kinh Bắc nói riêng, nước Việt trong 100 năm qua (1922 – 2022)”.

Những người thực hiện dự án cho hay, sự thú vị của dự án này không dừng lại ở việc tìm ra và kỷ niệm những cộc mốc hay thành tựu trong 100 năm qua của thi sĩ Hoàng Cầm nói riêng với cương vị là người nghệ sĩ, nhà thơ, nhà sáng tạo, nhà biên kịch, nhà hoạt động nghệ thuật mạnh mẽ và sôi nổi, mà còn mở ra những luồng suy nghĩ mới về sức ảnh hưởng của các bộ môn nghệ thuật và sự tương tác của từng bộ môn với nhau, tổng hòa tạo nên một nền nghệ thuật Việt Nam đặc sắc trong thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Từ hội họa, âm nhạc, truyện, thơ, kịch, các tác phẩm chảy cùng một dòng chảy của lịch sử đất nước, ta tìm thấy trong thơ có nhạc, trong tranh có chuyện, trong kịch có tự sự thế thời, không gian nghệ thuật rực rỡ có một không hai nơi mà các bộ môn nghệ thuật hòa quyện tạo nên bức tranh về văn hóa đậm sắc và vô cùng thú vị.

Khởi động dự án kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm -0

Những người thực hiện dự án cũng cho biết, HC100 là một cuộc dạo chơi về quá khứ trên chiếc thuyền của hiện tại, là cách kể câu chuyện của hồn thơ độc đáo, thơ mới, thơ siêu thực Việt Nam dưới góc độ của âm nhạc thế giới, nhạc cụ dân tộc, cách ta diễn kịch thơ bằng ngôn ngữ và đam mê của người trẻ thông qua vũ kịch; là cách ta “Về Kinh Bắc” trong cuộc dạo chơi bằng tranh, thơ, nhạc, hội họa và hơn thế nữa.

Bà Huệ Chi cho biết: “Dự án ra đời trong bối cảnh riêng và viễn cảnh chung. Bối cảnh riêng là chuỗi kỷ niệm 100 năm Hoàng Cầm, về người bố, người ông mà chúng tôi vô cùng yêu thương – thi sĩ, nhà sáng tạo, niềm tự hào và di sản của gia đình và đất nước. Viễn cảnh chung là niềm say mê của chúng tôi với văn học nghệ thuật và mong muốn xây dựng sự kết nối, nguồn cảm hứng thông qua các dự án có ý nghĩa để các bạn trẻ ngày nay có thể tiếp cận và học hỏi chất liệu giàu có chất Việt trong những năm rực rỡ nhất của văn học nghệ thuật Việt Nam 1922 – 2022. HC100 là 100 năm Việt Nam bước ra quốc tế, là 100 năm lớp lớp cha anh tiếp thu, chắt lọc và bảo vệ chất liệu Việt, là 100 năm vinh quang của biết bao nhà hoạt động nghệ thuật, thế hệ cá nhân sáng tạo đầu tiên của Việt Nam thời kỳ cận – hiện đại, trong đó có Hoàng Cầm, ông là một trong những vinh quang mà chúng tôi tự hào được kế thừa”.

Những người thực hiện dự án cũng mong các khán giả trước hết là bạn bè, người yêu thơ Hoàng Cầm ủng hộ, cổ vũ cũng như gửi về cho dự án những chất liệu, tài liệu nghệ thuật, văn học, bản ghi, hình ảnh… mà anh chị đã và đang sưu tầm về thi sĩ. Ban tổ chức cũng mong muốn kết nối với những cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành nghệ thuật, văn học với những ý tưởng và dự án nghệ thuật – văn học – phát hành, để có thể khơi dậy lại thơ kịch, văn xuôi Hoàng Cầm theo hình thức tiếp cận trẻ trung.

Bà Bùi Huệ Chi là cháu nội của nhà thơ Hoàng Cầm, hiện đang sinh sống và công tác trong ngành văn hóa, nghệ thuật, sản xuất phim điện ảnh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo TUYẾT LOAN. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN/nhandan.com.vn – 6/5/2021

https://nhandan.com.vn/dong-chay/khoi-dong-du-an-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-nha-tho-hoang-cam-644845/