Liên quan đến vụ cướp tài sản xảy ra năm 2016 nhưng không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ lãnh đạo Công an quận Tây Hồ.
Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ Phạm Quý Hải đã bị Công an TP Hà Nội đình chỉ công tác (Ảnh: Nguyễn Trường).
Công an đứng ra hòa giải… một vụ cướp
Nguồn tin của PV Dân trí cho biết, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác với ông Phạm Quý Hải - Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ - vì "quên" không xử lý hình sự người liên quan trong vụ án "Cướp tài sản" xảy ra năm 2016.
"Vụ cướp này, trách nhiệm chủ yếu là ở Chỉ huy quận và Phó Trưởng Công an quận thời kì đó (ông Phùng Anh Lê và ông Phạm Quý Hải - PV)" - nguồn tin chia sẻ thêm.
Liên quan đến động thái nêu trên, ông Phạm Quý Hải từ chối trao đổi thông tin với PV và hướng dẫn liên hệ với VKSND Tối cao để tìm hiểu thêm.
Về nội dung vụ án thể hiện, ngày 21/9/2016, anh H. (SN 1990, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được Công an phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) đưa đến trụ sở Công an quận Tây Hồ để trình báo việc bị cướp tài sản do 5 đối tượng gây ra, trong đó có Nguyễn Hữu Tài (SN 1993, ở quận Ba Đình, Hà Nội).
Sáng 22/9/2016, Tài được Công an quận Tây Hồ mời đến trụ sở làm việc. Tại đây, Tài đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình cùng 4 đồng phạm và viết đơn xin đầu thú.
Tối 22/9/2016, Tài nhận quyết định tạm giữ hình sự về hành vi "Bắt, giữ người trái luật" và được đưa xuống nhà tạm giữ. Sau đó, Tài được đưa ra ngoài và chờ người nhà đến đón về. Những ngày sau, Công an quận Tây Hồ đã mời Tài và anh H. đến trụ sở để… hòa giải (?!).
Từ tháng 1 - 3/2021, Tài cùng đồng phạm lần lượt đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đầu thú nên vụ án "Cướp tài sản" mới được khởi tố, đưa ra xét xử.
Theo đó, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Tài 24 tháng tù giam về tội "Cướp tài sản". Các đồng phạm trong vụ án này gồm Nguyễn Khắc Đức (SN 1992), Trần Văn Lộc (SN 1995, cùng ở quận Tây Hồ, Hà Nội) lĩnh 20 tháng tù; Nguyễn Văn Nam (SN 1994, ở quận Đống Đa, Hà Nội) 18 tháng tù còn Nguyễn Quang Chính (SN 1998, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) 15 tháng tù, cho hưởng án treo.
Đáng chú ý, tại tòa, vợ của bị cáo Nguyễn Hữu Tài khai trong năm 2016 đã đưa 100 triệu đồng cho một cán bộ Công an quận Tây Hồ để nhờ "chạy án" cho chồng.
Các bị cáo gây ra vụ cướp năm 2016 nhưng đến năm 2021, khi ra đầu thú mới bị điều tra, truy tố, xét xử. Trước đó, Công an quận Tây Hồ đã tiến hành... hòa giải vụ cướp này.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Cáo trạng vụ án "Cướp tài sản" do Viện KSND TP Hà Nội ban hành nêu nhận định, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra xác định, một số cán bộ Công an quận Tây Hồ có liên quan đến việc không xử lý hình sự đối với Tài và đồng phạm vào thời điểm đó.
Do có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp nên Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã thụ lý, giải quyết việc này một bằng vụ án khác.
Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần xác minh lời khai của nhóm cướp xem xét có căn cứ hay không để xem xét trách nhiệm của những người liên quan.
Theo Điều 369 Bộ luật Hình sự 2015, người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội", mức hình phạt đến 7 năm tù giam khi phạm tội với 5 người.
Riêng thẩm quyền ra quyết định tạm giữ hình sự thuộc về Thủ trưởng Cơ quan điều tra và quyết định này kèm theo các tài liệu liên quan phải được gửi cho Viện KSND cùng cấp trong thời hạn 12 giờ theo Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
"Như vậy, Trưởng Công an quận, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ, kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm và điều tra viên được phân công trong vụ án phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 5 tên cướp" - ông Tiền nhận định.
Mặt khác, tội "Cướp tài sản" không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại nên việc hòa giải giữa nhóm đối tượng và bị hại là trái pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nếu người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự nhận lợi ích vật chất để không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội thì có thể bị xử lý thêm về tội "Nhận hối lộ".
"Vụ việc trên cho thấy nhiều biểu hiện xâm phạm hoạt động tư pháp trong giai đoạn xác minh, kiểm tra nguồn tin tố giác và khởi tố theo quy định. Và thực tế có thể có nhiều vụ việc tương tự chưa được phát hiện. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần đặc biệt quan tâm đến các đơn thư tố cáo của người dân liên quan đến những vụ việc tương tự để xác minh, xử lý đúng quy định, đảm bảo kỷ cương phép nước" - luật sư Tiền nêu quan điểm.
Đình chỉ Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội
Trước đó, Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với Đại tá Phùng Anh Lê - Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế, để phục vụ quá trình xác minh làm rõ vụ việc có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp ở thời điểm vị này còn làm Trưởng Công an quận Tây Hồ.
Về quá trình công tác, vào hồi tháng 1/2019, Đại tá Phùng Anh Lê được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội. Trước đó, ông Lê làm Trưởng Công an quận Tây Hồ.
Theo Nguyễn Trường - Tiến Nguyên/dantri.com.vn - 11/5/2021
https://dantri.com.vn/phap-luat/ha-noi-dinh-chi-lanh-dao-cong-an-tay-ho-vu-quen-xu-ly-5-ten-cuop-20210510135351915.htm