Cập nhật: 11/05/2021 11:27:00
Xem cỡ chữ

Tính đến sáng 11/5, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 159.595.279 trường hợp, với 3.317.358 ca tử vong. Trong những ngày qua, virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trên toàn thế giới với tốc độ không đồng đều. Trong khi số ca nhiễm mới tại khu vực châu Âu giảm 19%, Bắc Mỹ giảm 16%, châu Phi giảm 1% thì số ca nhiễm tại châu Á và châu Đại dương lại tăng lần lượt 0,3% và 10%.

Virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ khác nhau tại từng khu vực trên thế giới. (Ảnh: https://www.aa.com.tr)

Trong bối cảnh trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10/5 cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, hay còn gọi là B.1.617, đã được phân loại ở mức "biến thể đáng quan ngại" cấp độ toàn cầu. Trả lời phóng viên, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, cho biết biến thể B.1.617 dường như lây lan nhanh hơn và có thể có khả năng kháng những phương pháp bảo vệ từ các loại vaccine. Bà Van Kerkhove cho biết: "Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đang phân loại đây là biến thể gây quan ngại ở cấp độ toàn cầu". 

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 11/5 cho thấy, hiện toàn thế giới có 137.256.551 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 19.021.370 ca bệnh đang điều trị thì có 18.914.941 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 106.429 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. 

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 45.566.098 trường hợp, trong đó có 1.036.925 ca tử vong và 40.939.114 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, lục địa già ghi nhận thêm 60.332 ca nhiễm và 1.701 ca tử vong vì dịch bệnh.

Hiện Bắc Mỹ có 38.908.238 ca nhiễm bệnh, trong đó có 872.188 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 33.515.243 ca nhiễm và 596.179 ca tử vong vì COVID-19. Ngày 10/5, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Quyết định rất được mong đợi này là một bước đi quan trọng để đảm bảo các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể mở cửa trở lại và học sinh có thể học trực tiếp trong năm học từ mùa Thu tới.

Tính đến sáng 11/5, Nam Mỹ có 25.999.378 ca nhiễm COVID-19, với 707.095 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 15.214.030; 3.165.121; 3.015.301; 1.853.370… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 44.374.466 trường hợp, với 574.860 ca tử vong và 38.398.268 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 5.401.338 ca bệnh đang điều trị thì có 32.843 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước  “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 22.991.927 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 5.044.936 ca.

Tính đến sáng 11/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.682.179 trường hợp, trong đó có 125.066 ca tử vong và 4.216.756 ca bình phục. Trong tổng số 340.357 ca đang điều trị thì có 3.241 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 11.597.724 ca nhiễm COVID-19 và 54.825 ca tử vong vì dịch bệnh.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Ấn Độ đang khiến nhiều nước trên châu Phi quan ngại. Theo giới chuyên gia, được mệnh danh là "hiệu thuốc của thế giới", Ấn Độ đồng thời là nguồn cung vaccine AstraZeneca lớn nhất cho chương trình COVAX nhằm phân phối vaccine cho các nước nghèo. Trong khi đó, châu Phi là khu vực đang phụ thuộc phần lớn nguồn vaccine ngừa COVID-19 từ cơ chế này.

Theo số liệu do WHO công bố, cho đến nay, châu Phi mới nhận được 19,6 triệu liều vaccine, chỉ chiếm khoảng 2% tổng số vaccine toàn cầu, trong khi 80% số vaccine toàn cầu đến các nước giàu. Thiếu phương tiện để sản xuất hàng loạt vaccine của riêng mình, các nước châu Phi chỉ trông chờ vào cơ chế COVAX hoặc thị trường mở. Nhóm đặc nhiệm thu mua vaccine của Liên minh châu Phi (AVATT) hy vọng sẽ mua được một số vaccine thông qua chương trình của riêng mình vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 228 ca nhiễm COVID-19, với 15 ca tại Australia, 7 ca tại French Polynesia; 203 ca tại Papua New Guinea; 2 ca tại New Zealand và 1 ca còn lại ở Fiji. Hiện khu vực này ghi nhận 64.199 ca nhiễm và 1.209 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.931 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.797 ca./

Theo dangcongsan.vn  – 11/5/2021

https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/virus-sars-cov-2-dang-lay-lan-voi-toc-do-khac-nhau-tren-the-gioi-580206.html