Để sớm đưa nội dung phát triển kinh tế biển nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, cần nắm rõ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển 10 năm tới; đánh giá đúng tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: chinhphu.vn
|
Quyết liệt triển khai chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, thận trọng xem xét bối cảnh quốc tế và tiềm lực quốc gia, Đại hội hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển (KTB) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Về cơ bản, các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTB thể hiện trong các văn kiện, Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021 – 2030 như sau:
Về mục tiêu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển KTB; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững (PTBV) KTB.
Về quan điểm phát triển, PTBV KTB trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Về các nhiệm vụ chủ yếu, PTBV kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng – an ninh (QPAN) và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Khẩn trương xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia. Hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Ưu tiên phát triển các ngành KTB, nhất là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành KTB mới. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị và phát triển các trung tâm KTB mạnh.
Hoàn thành trên 1700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, ưu tiên đoạn ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường bảo vệ môi trường (BVMT), bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái, ĐDSH biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển. Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, BĐKH, nước biển dâng. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường (ÔNMT) biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65-70% GDP cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đầy đủ, nhất là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục.
|
TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
|
Triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ về Chiến lược PTBV KTB
Về tổ chức thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 36/NQ-TW theo hình thức trực tuyến trên toàn quốc vào ngày 23/11/2018. Bộ TN&MT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện đến năm 2025 và đến năm 2030, kèm theo Danh mục 51 đề án, dự án, nhiệm vụ giao các bộ, ngành, địa phương phải triển khai trong từng giai đoạn (trong đó có 42 đề án, dự án đến năm 2025). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng để tổ chức và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Các bộ, ngành đã xây dựng các đề án, dự án, nhiệm vụ để triển khai Chiến lược PTBV KTB trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch tài chính NSNN giai đoạn 2021 - 2025. Có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển thành lập Ban chỉ đạo và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP.
Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết phát triển KTB và ven biển cho thấy, trong năm 2020, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, du lịch biển Việt Nam đã chuyển hướng sang khách hàng nội địa và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 654,6 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 14% so với năm 2018; khối lượng hàng container ước đạt 19,35 triệu TEU, tăng 6%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của nước ta vẫn đạt hơn 340 triệu tấn, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 7/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo phát hiện mỏ khí và condensate tại Kèn Bàu, thuộc Bể Sông Hồng (cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km), ước tính trữ lượng từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate. Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản đạt 8,6 tỷ USD năm 2019, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển. Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn). Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.
Trong 3 năm vừa qua, các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam. Các dự án điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, cùng với các dự án điện gió ven biển tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh),… triển khai và bước đầu hoạt động hiệu quả. Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha; có 330 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65,9 nghìn ha. Cùng với sự phát triển các khu kinh tế, KCN ven biển, đã hình thành các dịch vụ xã hội, nhà ở cho chuyên gia, nhà quản lý, người lao động. Tỷ lệ đô thị hóa của 28 tỉnh, thành phố ven biển đạt khoảng 39,49% cao hơn bình quân cả nước (37,5%). Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan cũng đang tích cực triển khai các nội dung của Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018.
Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển, gồm: (1) Vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh đến Ninh Bình); (2) Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ (Thanh Hóa - Bình Thuận); (3) Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa Vũng Tàu – TP. Hồ Chí Minh); (4) Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Kiên Giang).
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn, PTBV ĐDSH biển; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt 200.500 ha. Tỷ lệ diện tích khu bảo tồn biển đạt 0,172% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, chưa đạt mục tiêu 0,24% được đề ra tại Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Đến nay, đã có 17/28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển.
Về bảo đảm QP - AN, đối ngoại và hợp tác quốc tế, năm 2020, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động, tích cực và phát huy tốt vai trò của mình, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ký kết và triển khai các thỏa thuận về chia sẻ thông tin, phối hợp giữa hải quân, cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng chức năng của các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia; thiết lập đường dây nóng giữa hải quân Việt Nam với hải quan Brunei, Campuchia, Thái Lan,… Việt Nam đã phối hợp cứu vớt ngư dân Philippines gặp nạn trên biển, phối hợp với Indonesia bắt giữ tàu cướp biển.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp hoàn thiện thể chế
Để sớm đưa các nội dung PTBV kinh tế biển Việt Nam của Đảng vào thực tiễn, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ hoàn thiện thể chế, cơ chế kiểm tra đánh giá và phân công, tổ chức thực hiện cụ thể các công việc, nhiệm vụ:
Một là, Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về thực hiện Chiến lược PTBV KTB Việt Nam. Tăng cường vai trò trong việc chỉ đạo thống nhất, liên ngành các nội dung liên quan đến thực hiện Chiến lược PTBV KTB nhằm khắc phục những hạn chế của quản lý đơn ngành như hiện nay; ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Chỉ đạo các địa phương thành lập và tổ chức hoạt động có hiệu quả Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ở 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
Hai là, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực tham gia xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển.
Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường (TN, MT) biển và hải đảo đến năm 2030, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý TN, MT biển, hải đảo đến năm 2030.
Ba là, các bộ, ngành liên quan (các bộ quản lý 6 ngành kinh tế bao gồm: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới) tập trung thực hiện theo các chủ trương được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW. Các bộ, ngành liên quan khác quan tâm, bố trí nguồn lực đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra
Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính ưu tiên tập trung nguồn vốn và hình thành một dòng vốn riêng hoặc một chương trình riêng (tương tự Chương trình Biển Đông hải đảo) để triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ quan trọng; ưu tiên trước mắt tập trung bố trí kinh phí cho các dự án điều tra cơ bản biển và hải đảo.
Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ PTBV kinh tế biển.
Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh theo phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 26/NQ-CP; và chỉ đạo Tổng cục Thống kê xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê các ngành KTB.
Bốn là, các địa phương có biển sớm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của địa phương mình, phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) tổ chức triển khai các chủ trương, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW và các đề án, dự án, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 26/NQ-CP.
Tập trung ưu tiên ngân sách của địa phương triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ nhằm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Thu hút đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước trong lĩnh vực PTBV KTB.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhiệm vụ lập Quy hoạch của tỉnh/địa phương đảm bảo các quy hoạch được tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trong đó trọng tâm là PTBV KTB, tăng cường liên kết vùng.
Về các nhiệm vụ năm 2021, cần xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ PTBV KTB.
Sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW và tổ chức diễn đàn PTBV KTB Việt Nam lần thứ nhất, huy động sự hợp tác và các nguồn lực phục vụ PTBV KTB, đề xuất các định hướng chiến lược, giải pháp mới nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược PTBV KTB Việt Nam. Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Hoàn thiện, trình duyệt một số đề án do các bộ ngành đang chủ trì xây dựng.
Về các nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025, cần tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo để thực hiện đầy đủ và toàn diện các nội dung được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan QLNN tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QLNN về biển và hải đảo, PTBV KTB.
Xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo nhằm bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW, trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); quy hoạch không gian biển quốc gia (Bộ TN&MT); quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ (Bộ TN&MT); quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia (Bộ Công Thương); Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải); Quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (Bộ Quốc phòng); Chiến lược phát triển ngành thủy sản phù hợp với Chiến lược PTBV KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Bộ NN&PTNT).
Thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên xác định trong: Nghị quyết số 26/NQ-CP (danh mục 42 đề án, dự án, nhiệm vụ đến năm 2025); Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TN, MT biển và hải đảo đến năm 2030 (tập trung vào 14 đề án, dự án và nhiệm vụ chuyển tiếp); Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý TN, MT biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án hợp tác quốc tế về PTBV KTB Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông (Bộ Ngoại giao); Đề án phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 (Bộ Y tế)./.
TS. TẠ ĐÌNH THI - Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Theo dangcongsan.vn - Ngày 13/5/2021
https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/tin-tuc/trien-khai-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-bien-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-580432.html