Trước khó khăn chưa từng có do dịch bệnh mang lại, lãnh đạo các nhà hát và đại diện cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng ngồi lại để tìm hướng đi mới cho nghệ thuật biểu diễn.
Dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống nghệ sỹ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. (Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống nghệ sỹ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Nhiều người đã phải tìm việc làm thêm như bán đồ ăn online, đi ship hàng…
Dù sân khấu đã đóng cửa từ cuối tháng Tư nhưng lãnh đạo các nhà hát vẫn duy trì tổ chức cho các nghệ sỹ tập luyện, dựng vở mới để chuẩn bị cho sự trở lại sau khi dịch được kiểm soát.
Tuy nhiên, khi dịch tiếp tục bùng phát tại Hà Nội trong những ngày gần đây, hoạt động tập luyện tại các nhà hát cũng phải ngừng lại hoàn toàn. Trăn trở với nghệ thuật biểu diễn và đời sống nghệ sỹ, lãnh đạo các nhà hát đã ngồi lại, cùng tìm giải pháp cho ngành sân khấu.
Khó khăn chồng chất, lo nghệ sỹ bỏ nghề
Nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam vào tháng 9 năm 2019. Trong hai năm lãnh đạo nhà hát, phần lớn thời gian ông phải đối diện với trở ngại to lớn do dịch bệnh mang lại.
Các nghệ sỹ mong mỏi trở lại những ngày sân khấu sáng đèn. (Ảnh: Nhá hát kịch Việt Nam)
"Nghệ thuật cải lương vốn đã kén người xem, đời sống nghệ sỹ nay càng vất vả hơn khi hoạt động biểu diễn phải ngừng lại hoàn toàn. Nếu tình hình tiếp diễn như thế này, kinh phí của nhà hát chỉ còn đủ để nuôi nghệ sỹ trong vòng 9 tháng tới," ông chia sẻ.
Nghệ sỹ nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, cho hay chèo cũng không khá hơn cải lương là bao.
“Năm 2020 chúng tôi còn công diễn được một số vở, biểu diễn phục vụ khách du lịch và lễ hội nhưng năm nay thì thực sự khó khăn,” nghệ sỹ Thanh Ngoan cho biết.
Theo kế hoạch đầu năm, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ dựng 8 chương trình để bảo tồn nghệ thuật chèo, ghi hình 7 chương trình cho truyền hình, ngoài ra còn tổ chức ghi âm các làn điệu chèo cổ do các nghệ nhân trình bày. Nhưng hiện nay, kế hoạch đang bỏ dở...
Vì không có nguồn thu, các nghệ sỹ phải tìm nghề tay trái để mưu sinh. Trong số đó có rất nhiều nghệ sỹ trẻ, nằm ngoài biên chế. Từ đó, nỗi lo nghệ sỹ bỏ nghề ngày một lớn.
“Tôi rất lo lắng cho lực lượng nghệ sỹ hợp đồng. Hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam ký hợp đồng lao động với 60 diễn viên trẻ bằng nguồn tự thu của đơn vị. Họ là lực lượng nòng cốt, nhân tố chủ lực để tạo nên sức bật cũng như sức sống mới cho các tiết mục và chương trình biểu diễn,” nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết.
Ngay cả nghệ sỹ được hưởng biên chế cũng có thu nhập rất thấp, điển hình là nghệ sỹ chèo và tuồng. Lý do là ngành đào tạo của hai bộ môn này chỉ nằm ở hệ trung cấp nên khi ra trường, lương của họ chưa đến 3 triệu đồng/tháng...
Vở "Ngũ hổ tướng" của Nhà hát Kịch Việt Nam gây tiếng vang trong thời gian gần đây. (Ảnh: NHKVN)
“Không có nguồn thu từ các chương trình biểu diễn nghĩa là nghệ sỹ không có thu nhập. Hiện nay, chúng tôi đang rất lo sẽ có nhiều người bỏ nghề,” nghệ sỹ nhân dân Thanh Ngoan trăn trở.
Xoay sở cách nào?
Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ cho 12 nhà hát trực thuộc Bộ dựng vở và tổ chức các buổi biểu diễn nhằm thu hút khán giả trở lại sân khấu. Năm nay, các nghệ sỹ cũng mong mỏi sự tương trợ như vậy từ cơ quan quản lý nhà nước.
Họ cũng kiến nghị những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn cho nghệ thuật biểu diễn Việt Nam như đề xuất gói hỗ trợ tạm thời, miễn giảm thuế phí cho các doanh nghiệp biểu diễn, thay đổi cơ chế tự thu, đề án phát triển nhà hát online…
Nghệ sỹ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, cho rằng cơ chế không thể thay đổi ngay được, quan trọng là tìm giải pháp kịp thời trong lúc này.
“Năm nay, đời sống kinh tế khó khăn hơn năm ngoái rất nhiều. Sau dịch, cuộc sống của người dân cũng khó khăn, bởi ngành nào cũng bị ảnh hưởng, e rằng họ cũng không thể dành ra một khoản tiền để đi xem kịch, tuồng, chèo… Chúng tôi mong mỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp tháo gỡ khó khăn về vấn đề nhân lực,” ông Tuấn nói.
Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc hướng tới truyền thông mạng xã hội để quảng bá nghệ thuật biểu diễn. (Ảnh: NVCC)
Đồng cảm với nỗi lo lắng đó, nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, khẳng định rằng trong lúc khó khăn thì người làm quản lý càng phải quan tâm, chăm lo đời sống nghệ sỹ. Anh cho biết Nhà hát Kịch Việt Nam trợ cấp cho các nghệ sỹ khoản tiền 1,5-2 triệu đồng/tháng tùy hoàn cảnh. Đó là nỗ lực để giữ họ không bỏ nghề.
Xuân Bắc cũng cho biết Nhà hát Kịch Việt Nam đang xây dựng hai kênh truyền thông mới là TikTok và YouTube.
“Chúng tôi thành lập một đội ngũ thực hiện nội dung cho hai kênh này dưới sự giám sát của lãnh đạo nhà hát. Khán giả sẽ được theo dõi các chương trình có nội dung giải trí, các hoạt động của nhà hát và những buổi luyện tập của nghệ sỹ, những câu chuyện hậu trường,” nghệ sỹ Xuân Bắc cho biết.
Trước khi dịch bùng phát khiến các nhà hát phải đóng cửa, khán giả đã có ý thức đeo khẩu trang khi xem nghệ thuật. (Ảnh: NHKVN)
Trước những trăn trở và đề xuất của các nghệ sỹ, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết lãnh đạo Bộ đang bàn bạc để tìm giải pháp cụ thể rồi sẽ tiến hành họp với các nhà hát.
“Tôi rất hiểu lo lắng của các nghệ sỹ. Chúng ta đang ở trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội. Thông qua những tác phẩm của mình, các nghệ sỹ có thể mang lại sức mạnh tinh thần cho quần chúng nhân dân. Do đó, thời điểm này, cần động viên, khích lệ các nghệ sỹ để vững vàng vượt qua đại dịch,” ông nói.
Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề xuất các nhà hát có thể hợp tác với các đài truyền hình, tổ chức ghi hình một số vở diễn chất lượng để phát sóng phục vụ khán giả tại nhà, như vậy các nghệ sỹ vẫn sẽ được diễn và có thu nhập.
Ông cũng cho hay Thứ trưởng Tạ Quang Đông sẽ trực tiếp làm việc với lãnh đạo các nhà hát trong tuần tới để tiến hành kế hoạch này./.
Theo Minh Thu (Vietnam+) - 27/5/2021
https://www.vietnamplus.vn/nghe-sy-quay-cuong-tim-cach-muu-sinh-trong-dai-dich-covid19/715592.vnp