Các chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng cần phải hoàn thiện luật pháp, bổ sung chế tài phạt người nổi tiếng tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.
Hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và nảy sinh nhiều bất cập. (Ảnh chụp màn hình)
Bên cạnh quảng cáo truyền thống, thời gian gần đây, rất nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok. Các sản phẩm được quảng cáo nhiều là mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thuốc chữa ung thư...
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, hình thức quảng cáo này dường như có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn, tuy nhiên, kéo theo đó là sự xuất hiện của những quảng cáo sai sự thật, “thần thánh hóa” sản phẩm thậm chí quảng cáo cho những sản phẩm không được pháp luật bảo hộ.
Nhiều bất cập trong khâu pháp lý
Việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo không phải là chuyện mới mẻ mà đã phổ biến từ lâu. Hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và nảy sinh nhiều bất cập, trong đó có việc nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo, giới thiệu những sản phẩm kém chất lượng.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho rằng việc người nổi tiếng tham gia vào các quảng cáo sản phẩm đem lại hiệu quả cao cho nhãn hàng. Tuy nhiên, vấn đề tuân thủ và thượng tôn pháp luật thì không phải người nổi tiếng nào cũng làm được. Bằng chứng là gần đây đã xuất hiện một số người nổi tiếng quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí không được pháp luật bảo hộ.
Mặc dù vậy, hiện nay chưa có quy định cụ thể để xử phạt người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Phân tích vấn đề này, ông Sơn nêu ra 4 chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo, để từ đó thấy được khó khăn trong quản lý quảng cáo.
Chủ thể đầu tiên là nhãn hàng, đơn vị có nhu cầu quảng cáo. Chủ thể thứ hai là các đơn vị thực hiện sản xuất quảng cáo hay là các công ty quảng cáo. Chủ thể thứ ba là người nổi tiếng thường tham gia vào một phần của khâu này để sản xuất quảng cáo. Cuối cùng là phương tiện truyền tải thông tin quảng cáo, ví dụ như truyền hình, radio, mạng xã hội, báo điện tử…
“Theo Luật quảng cáo hiện nay, nếu một quảng cáo vi phạm pháp luật thì phía nhãn hàng sẽ bị xử lý đầu tiên, sau đó là phương tiện truyền tải thông tin quảng cáo. Khâu ở giữa là nhà sản xuất và người nổi tiếng tham gia đóng phim quảng cáo thì chưa có chế tài để xử lý,” ông Sơn cho biết.
Với những người nổi tiếng quảng cáo trên trang cá nhân thì Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử có thể xử lý nếu họ truyền tải thông tin sai sự thật. Cách xử lý là phạt hành chính, buộc đóng kênh và gỡ thông tin.
Từ những phân tích trên, Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng Luật Quảng cáo có hiệu lực từ năm 2013 đã không còn phù hợp với thực tiễn. Ông mong muốn trong thời gian tới, đạo luật này cần được sửa đổi và thông qua sớm vì nó liên quan đến mọi ngành nghề trong xã hội, liên quan đến cả bản quyền và nhiều hoạt động khác. Điều này không chỉ góp phần minh bạch hoạt động quảng cáo, mà còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trước thực tế nhiều nghệ sỹ có tên tuổi, có danh hiệu tham gia quảng cáo với nội dung được cho là thiếu thẩm mỹ, thiếu tính nghệ thuật, ông Sơn bày tỏ quan điểm rằng quảng cáo hay hay dở là do quan điểm của người xem.
“Đứng ở góc độ marketing, một quảng cáo gây cười, dễ nhớ, thu hút người xem, để hình ảnh sản phẩm ‘ghim’ vào tâm trí khán giả thì quảng cáo đó đã thành công,” ông Sơn cho hay.
Ông nói thêm rằng nhiều nghệ sỹ có hoàn cảnh rất khó khăn, họ phải làm thêm đủ nghề để kiếm sống nuôi gia đình, tiếp tục sống với đam mê nghệ thuật. Nếu nghệ sỹ kiếm được tiền từ quảng cáo một cách hợp pháp thì thiết nghĩ công chúng nên ủng hộ.
“Tất nhiên, tôi không cổ súy những nội dung phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể xử lý các trường hợp nghiêm trọng bằng cách chấn chỉnh, góp ý với nghệ sỹ, nặng hơn là buộc dừng biểu diễn trong một thời gian nhất định hoặc tước giấy phép hành nghề,” ông Sơn cho biết.
Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh vụ việc một số người nổi tiếng tham gia quảng cáo tiền ảo. (Ảnh chụp màn hình)
Ông Sơn cho rằng chính bản thân nghệ sỹ cần phải cân nhắc lựa chọn những quảng cáo phù hợp, bảo vệ thương hiệu của chính bản thân mình. Nếu cứ quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, thương hiệu và hình ảnh của họ cũng giảm sút. Đó là cái giá rất đắt cho những người có tên tuổi.
Bên cạnh việc sửa đổi Luật, bổ sung thêm các Nghị định cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, ông Sơn cùng đề xuất xây dựng một bộ quy tắc đạo đức về quảng cáo.
Sẽ bổ sung quy định, chế tài
Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật Thành phố kiểm tra tình trạng một số hội viên tham gia quảng cáo. Công văn cũng lưu ý các văn nghệ sỹ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo cho biết đã nhận thấy những phát sinh và bất cập trong các quy định về quản lý quảng cáo trên mạng xã hội. Cơ quan này sẽ rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên các phương tiện đồng thời sẽ tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành liên quan để quản lý hoạt động quảng cáo.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, cho biết Luật Quảng cáo đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người đại diện thương hiệu trong quảng cáo. Cụ thể, Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo quy định: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo.”
“Việc sử dụng những hợp đồng thuê cá nhân quảng cáo là hợp đồng dân sự, trường hợp có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan,” vị Cục trưởng cho biết.
Với một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực quảng cáo trên mạng xã hội như hiện nay, bà Ninh Thị Thu Hương cho biết thời gian tới Bộ sẽ tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn để nắm bắt những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về quảng cáo cũng như các vấn đề thực tiễn mới phát sinh gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp, từ đó sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định.
Cục Văn hóa cơ sở cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật quảng cáo./.
Theo Minh Thu (Vietnam+) – 1/6/2021
https://www.vietnamplus.vn/nghe-sy-tham-gia-quang-cao-can-bao-ve-hinh-anh-uy-tin-cua-chinh-minh/716845.vnp